CN IV Mùa Vọng
2 Sm 7, 1-5.8b-12.14a.16;
Rm 16, 25-27; Lc 1, 26-38.
Nhà, là gia tài rất quan trọng trong lòng mọi người, nhất là đối với với người
Việt Nam. Nhà là nơi chúng ta được sinh ra, nhà là nơi chúng ta được lớn lên và
được giáo dục để trở nên người, cũng từ ngôi nhà gia đình chúng ta đón nhận được
nhiều tình thương và kinh nghiệm sống. Tuy nhiên, từ “nhà” mang nhiều ý nghĩa
khác nhau: trước hết, đó là cái nhà vật chất, sau nữa đó là cái nhà tinh thần,
như là gia đình, trong đó có nhiều người sống tương quan với với nhau. Ý nghĩa
thứ ba là ngôi nhà thiêng liêng, chính là Giáo Hội, là nhiệm thể Chúa Kitô (Ep
5, 31). Vậy, đã là con người, nhất là người Công giáo chúng ta luôn được mời gọi
ra sức xây dựng các ngôi nhà này cho vững chắc.
Xây dựng ngôi nhà vật chất.
Người Việt chúng ta thường có câu: “an cư lạc nghiệp,” tức
là muốn cho công việc làm ăn được ổn định, muốn cho công thành danh toại, trước
hết phải “định cư”, phải có cái nhà để ở. Vì thế, nỗ lực đầu tiên của chúng ta
là tìm được nơi ở xứng hợp, xây cất được một ngôi nhà khang trang và sạch đẹp để
ở. Nhiều người trẻ từ miền quê ngày hôm nay sẵn sàng bỏ gia đình ở quê lên
thành thị thậm chí sang các nước khác lao động, để thay đổi cuộc sống. Mục đích
thay đổi cuộc sống được đặt ra đầu tiên, đó là khi kiếm được đồng tiền, để xây nên
một ngôi nhà, sau đó mới tính những chuyện mua sắm khác.
Người Việt chúng ta, ngay cả khi đã ra nước ngoài, vẫn thích
mua những ngôi nhà rất lớn. Mặc dầu công việc rất vất vả, phải chi tiêu cho nhiều
thứ cần thiết khác, nhưng ngôi nhà vẫn là mục ưu tiên hằng đầu của các gia đình
người Việt, thậm chí có nhiều gia đình có cả hai tới ba ngôi nhà, mục đích là để
di chuyển qua lại khi thời tiết thay đổi. Quả vậy, trong thâm tâm của người Việt,
chúng ta không muốn ở nhà thuê hay nhà trọ, vì dẫu sao nhà mình vẫn hơn.
Xây dựng ngôi nhà tinh thần
Ngôi nhà tinh thần chúng ta nhấn mạnh ở bài đây, đó là
ngôi nhà gia đình. Trong văn hóa Việt Nam, gia đình là một “ngôi nhà” hết sức
quan trọng, là nơi người ta được yêu thương, được giáo dục và chia sẻ buồn-vui-sướng-khổ.
Vợ, chồng người Việt chúng ta gọi nhau là “nhà tôi ôi”, “bà nhà tôi” hay “ông
nhà tôi”... Khi con cái lớn lên chúng muốn cưới vợ lấy chồng thì chúng ta gọi
là “xây dựng gia đình,” con cái đã “thành gia thành thất.”
Tóm lại gia đình là một ngôi nhà tinh thần đối với mọi
người chúng ta, vì trong đó chúng ta có được tất cả. Gia đình là nơi chúng
chúng ta tìm về để có được sự bình yên và bao kỷ niệm, như trong bài hát “Cầu
cho cha mẹ,” tác giả viết: “ai qua là bao chốn xa, thấy đâu vui cho bằng mái
nhà.” Quả thật, gia đình là ngôi nhà tinh thần rất quan trọng mỗi chúng ta ai nấy
đều có trách nhiệm xây dựng và bảo vệ ngôi nhà thân yêu ấy.
Xây nhà thương liêng
Là người Công giáo, ngoài ngôi nhà vật chất và nhà tinh
thần ra, chúng ta còn một ngôi nhà thứ ba chúng ta cần phải xây dựng, đó là
ngôi nhà Giáo Hội, là nhiệm thể Chúa Giêsu Kitô.
Chúng ta cần quay ngược lại lịch sử để tìm hiểu ý nghĩa của
ngôi nhà thiêng liêng, nhiệm thể của Chúa Giêsu, bắt đầu từ câu chuyện ông Đavít.
Theo ghi chép của Kinh Thánh, khi “vua được yên cửa yên nhà
và Đức Chúa đã cho vua được thảnh thơi mọi bề, ông nói với ngôn sứ Nathan rằng: “tôi
được ở nhà bằng gỗ bá hương, còn Hòm Bia Thiên Chúa thì ở trong lều vải” (2 Sm 7, 2). Điều này nói lên ước muốn của Đavít là xây một đền thờ để hòm bia Thiên Chúa ngự, ông cho rằng
đây là một việc làm rất cần thiết để tỏ lòng tôn kính Đức Chúa.
Ông Nathan nghe vậy thì khuyên ông Đavít cứ thực hiện như điều ông mong muốn. Tuy nhiên, vì ông Đavít đã già yếu, ông không thể thực hiện được mà phải chờ đến
thời của con trai của ông là Salomon mới giúp ông thực hiện giấc mơ quý giá này.
Một điều rất thú vị trong câu chuyện này, khi Thiên Chúa
đã biết lòng thành của ông Đavít về việc muốn xây dựng cho Thiên Chúa ngôi đền thờ vật chất,
thì Thiên Chúa lại muốn xây dựng một ngôi nhà thiêng liêng, ngôi nhà này sẽ tồn
tại đến muôn ngàn đời. Người phán thế này: “Ta sẽ cho ngươi được thảnh
thơi, không còn thù địch nào nữa, Ta là ĐỨC
CHÚA sẽ lập cho ngươi một nhà. Khi ngày đời của
ngươi đã mãn và ngươi đã nằm xuống với cha ông, Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng
lên kế vị ngươi, một
người do chính ngươi sinh ra,
và Ta sẽ làm cho vương quyền của nó được vững bền” (2 Sm 7, 11-12).
Điều Thiên Chúa hứa ban về một dòng tộc sẽ sản sinh ra một
vị quân vương đầy uy quyền. Người con đó là Đức Giêsu, được sinh ra từ cung
lòng một
“trinh nữ đã thành hôn với một người tên là
Giuse, thuộc dòng dõi vua Đavít. Trinh nữ ấy tên là Maria” (Lc 1, 26). Nhờ
có Đức Maria, mà Đức Giêsu đã xuống thế làm người và ở trong lòng Giáo Hội. Như
vậy Giáo Hội là ngôi nhà thiêng liêng, chúng ta là những thành phần của Giáo Hội,
chúng ta được ở trong một ngôi nhà thiêng liêng, trong đó có nhiều thành viên,
các thành viên này gắn kết mật thiết với nhau và đứng đầu là Chúa Giêsu Kitô.
Hơn nữa, theo lý giải của thánh Phaolô, chúng ta là một
thân thể không chỉ vì là thành viên của một cộng đoàn, nhưng vì được chịu cùng một
phép rửa và được lãnh nhận một Thần Khí. Trong Giáo Hội, các chi thể chỉ là “một” trong
Ðức Kitô. Thánh Phaolô nói: “Anh em là thân thể Ðức Kitô, và mỗi người là một bộ
phận” (1Cr 12: 27). Đây là một sự hiệp nhất có tính cách chức năng và sứ vụ, mỗi
thành phần có chức năng và nhiệm vụ khác nhau, nhưng đều cùng chung một mục
đích là xây dựng thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô nhờ ân huệ của Thần Khí (xem 1Cor
12,12).
Phản tỉnh:
Chúng ta đang chuẩn bị đón mừng lễ sinh nhật của Chúa
Giêsu, Đấng Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta, chúng ta hãy chuẩn bị
tâm hồn thật sốt để được tham dự vào mầu nhiệm “thân thể Ðức Kitô.” Cao điểm của
việc tham dự này là tham gia các sinh hoạt và nghi thức thờ phượng của Giáo Hội,
nổi bật là các thánh lễ Misa, vì theo lời của thánh Phaolô: “Khi ta nâng chén
chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Ki-tô ư?
Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người
sao? Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy,
nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1 Cr 10, 16-17).
Như thế cả cộng đoàn cùng đón nhận
thân thể Chúa, nên Giáo Hội là một với Ngài, là thân thể của Ngài.
Điều này thật nhiệm mầu và rất khó hiểu đối với chúng ta,
nhưng âu cũng giống như Đức Mẹ, khi thiên thần truyền tin rằng Mẹ sẽ mang thai
sinh hạ Đấng Cứu Thế, thì mẹ đã rất ngỡ ngàng và thưa với sứ thần, “việc
ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng” (Lc 1, 34). Nhưng sau khi được sứ thần giải thích việc
Đức Maria chịu thai là bởi Chúa Thánh Thần thì Đức Maria, thì Mẹ đặt mọi niềm
tin vào kế hoạch của Thiên Chúa, liền thưa, “vâng, tôi đây là nữ
tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1, 38).
Xin cho mọi người chúng ta, luôn biết học hỏi Đức Maria, biết
đặt niềm tin vào quyền năng của Chúa Thánh Thần, để chúng ta luôn tin rằng
Thiên Chúa, Đấng Emmanuel đang hiện diện trong lòng Giáo Hội, và ở giữa chúng ta.
Chúng ta cũng luôn ra sức bảo vệ và xây dựng ngôi nhà thiêng liêng ấy bằng đời
sống cầu nguyện, sống các nhân đức và thực thi bác ái như Chúa Kitô và Giáo Hội
mong muốn.
Linh mục Antôn Phạm Trọng Quang, SVD