BẢO TỒN VĂN HÓA VIỆT
Sau thánh lễ Chúa nhật vừa rồi, một giáo dân đến “lì xì” cho
tôi một cái “hong bao”, bảo là mừng tuổi cho cha. Nhân đây tôi xin chân thành cám
ơn người giáo dân đó, cũng như nhiều người khác đã giành cho tôi nhiều phần quà
và tình thương trong những dịp đặc biệt này. Dĩ nhiên, tôi không nên tiết lộ giáo
dân lì xì cho tôi bao nhiêu(smile), nhưng tôi đặc biệt ấn tượng với hình ảnh và
hàng chữ in ngoai cái phong bì mà người đó đã cho tôi. Tôi ấn tượng vì nó đưa tôi
trở về với những kỷ niệm mà tôi đã có cùng gia đình trong những dịp Xuân về lúc
tôi còn rất nhỏ.
Nói thế chắc bạn đọc lại mỉm cười và nói “cha Quang lại bắt
đầu kể chuyện cũ nữa rồi đây.” Khi người ta thích kể chuyện tức là người ta đã có
chút tuổi. Vâng, tôi nhìn hình ảnh mấy em nhỏ ngồi với mẹ, mắt “dán” vào nồi bánh
chưng, cùng với dòng chữ “TỰ HÀO VÀ BẢO TỒN VĂN HÓA VIỆT NAM.”
Nấu banh chưng, chờ bánh tét là văn hóa của người Viêt ư?
Đúng vậy, đây là hình ảnh đẹp nhất, thân thương nhất trong lòng đại đa số người
Việt. Và chúng ta lại cần bảo tồn nét văn hóa đẹp và thân thương này?
Những Kỷ Niệm Xuân Xưa
Tôi nhớ, lúc chừng 7 hoặc 8 tuổi, vào khoảng 28 hay 29 Tết,
bố tôi bắt đầu gói bánh tét để ăn Tết. Chúng tôi rất hồ hởi được tham gia công việc
này. Bắt đầu việc học cách cắt lá chuối, rửa lá, “hơ” lá cho khô. Việc ngâm gạo
nếp và làm nhân bánh chúng tôi không được học vì hơi phức tap. Rồi chúng tôi ngồi
xung quanh xem bố tôi gói bánh, bắt đầu từ việc đặt giây “lạt”, đặt lá cho đúng
hướng, bỏ gạo nếp lên lá, rạch một đường giữa để bỏ nhân, gói bánh cho tròn... Bố
tôi chỉ thắt mất giây chính, rồi dạy chúng tôi thắt những giây còn lại. Bố dặn,
thắt sao cho chặt và khoảng cách của các giây cho đều.
Đáng nhớ nhất là khi bố tôi gói xong những chiếc bánh lớn,
bố để lại một ít gạo và nhân bánh cho anh em chúng tôi gói “bánh con” cho chính
mình. Gói xong phải đánh dấu để biết bánh đó là của ai. Sau khi gói bánh xong, chúng
tôi cùng với bố xếp bánh vào nồi, rồi nấu cả mấy tiếng mới xong. Thông thường chúng
tôi ngủ thiếp đi, nhưng khi nấu bánh xong, bố thường thức chúng tôi dậy để nhận
“thành quả” của mình.
Thật là buồn cười khi bóc bánh ra, những cái bánh do bố tôi
gói thì tròn trịa, còn bánh của chúng tôi gói thì chỗ lớn chỗ nhỏ trông chẳng khác
gì củ khoai lang ( ha ha ha). Biết chúng tôi có chút thất vọng bố tôi động viên:
“ăn bánh bố gói đi cho mau lớn, chờ năm sau có cơ bắp gói lại bánh cho tròn cho đẹp.”
Tết Của Các Gia Đình Ngày Nay
Những kỷ niệm thời thơ ấu dễ thương vậy đó. Đây là nét đẹp
văn hóa không chỉ có gia đình chúng tôi có được mà đa số các gia đình Việt Nam trước
đây đều có. Kể ra đây tôi cảm thấy thật xúc động. Lớp trẻ ngày nay ít có những trải
nghiệm đơn sơ và thú vị như vậy. Tuy nhiên, các cháu sống trong thời đại này, em
nào cũng được cha mẹ mua cho những chiếc máy điện thoại đắt tiền, hay nhà có những
chiếc tivi màn ảnh lớn để giải trí. Cá nhân tôi không khiển trách thời đại, nhưng
hy vọng trước sự thay chóng mặt này của xã hội, cha mẹ các em cần tìm được nhiều
cơ hội để gần gũi con cái của mình, sinh hoạt giải trí với chúng. Để dạy được con
mình hiểu được văn hóa dân tộc, các bậc cho mẹ cũng nên tìm kiếm thông tin trên
internet. Tôi tin rằng internet sẽ có đủ trăm phương ngàn cách để cung cấp cho chúng
ta nhiều thông tin quý giá về văn hóa Việt Nam.
Bánh Chưng Cho Người Nghèo: Hình Ảnh Văn Hóa Đáng Trân Trọng
Một hình ảnh đáng trân trọng, đó là những năm gần đây, khi
mỗi dịp Xuân về, người Việt chúng ta biết nghĩ đến những người nghèo và những người
già neo đơn. Đó là hình ảnh các giáo xứ, các giáo đoàn, các bạn trẻ sinh viên của
nhiều giáo phận tích cực góp tiền mua nếp và nhiều vật liệu khác để gói bánh hay
bánh tét rồi phân phát cho những ai kém may mắn để họ cũng chia sẻ được “chút hương
vị gì đó” của mùa Xuân.
Đây là những việc làm không phải chỉ để chạy đua phong trào,
nhưng tôi tin rằng, nó xuất phát từ tấm lòng tương thân tương ái của người Việt
chúng ta. Đây là những công việc mà nó sẽ trở thành những kỷ niệm đáng ghi nhớ đối
với các bạn trẻ mà có thể 15 năm sau hay 20 năm sau họ sẽ kể cho người khác nghe
về những rất ý nghĩa họ đã làm.
Vâng, đây cũng là một nét đẹp văn hóa nữa của người Việt chúng
ta. Những giá trị văn hóa này rất đáng tự
hào, chúng cần được trân trọng và bảo tồn.
Cuối cùng xin kính chúc quý vị NĂM CANH TÝ VẶN SỰ NHƯ Ý.
Washington
DC, ngày 23/1/2020
(29AL)
Linh mục An tôn Phạm Trọng Quang, SVD