ĐÂU LÀ MỤC
ĐÍCH CUỐI CÙNG CỦA CUỘC ĐỜI?
Gần đây một bạn trẻ
gửi cho tôi một đường link về một giảng sư trẻ hiện đang rất nổi tiếng và được
nhiều bạn trẻ mến mộ ở Việt Nam. Trong đoạn clip
này thầy giảng về “6 Nhu Cầu Cơ Bản Của
Con Người”.
Xem qua bài giảng thì biết rõ thầy vận dụng tư tưởng của nhà tâm lý học người Mỹ
Abraham Harold Maslow (1908-1970), khi ông nói về 6
nhu cầu của con người (Hierarchy of needs). Tất nhiên
thầy đã thêm, bớt và chỉnh sửa để cho “thích hợp” với nhu cầu của giới trẻ Việt
Nam bây giờ.
Thầy đã bỏ đi nhu cầu cao nhất của con người, đó là nhu cầu
tâm linh và được thế vào đó là nhu cầu được sống; trong nhu cầu sống thì có
tình dục và làm đẹp.
Thực ra ban đầu Maslow chỉ nêu 5 nhu cầu, đó là nhu cầu thỏa mãn thể lý (ăn,
uống, ngủ, nghỉ), nhu
cầu được sự an toàn (gia
đình, sức khỏe, công việc, môi trường sống...),
nhu cầu xã hội (giao
lưu, chia sẻ, kết bạn, học hỏi kiến thức...),
nhu cầu được tôn trọng (muốn được thành đạt, nổi tiếng..), và
nhu cầu được thể hiện chính mình (cống hiến và thể
hiện khả năng mình có, muốn được công nhận mình
thành đạt...). Đến thời gian cuối đời, Maslow thêm một nhu cầu nữa, đó là nhu cầu siêu việt (nhu cầu nhận
biết thế giới tâm linh, nhận biết sự mầu nhiệm...) Vì theo ông, nếu con người
chỉ tìm cách thỏa mãn 5 nhu cầu đầu tiên mà quên đi nhu cầu tâm linh thì con
người sẽ dễ trở nên bệnh hoạn, tàn nhẫn và dễ tuyệt vọng.
Trên thực tế, con người chúng ta luôn đi tìm thỏa mãn 5 nhu cầu đầu tiên, vì 5
nhu cầu này chúng ta có thể đạt được ngay ở đời này. Riêng những người có niềm
tin tôn giáo thì họ mới được mời gọi đi tìm thỏa mãn luôn cả nhu cầu thứ sáu.
Hay nói cách khác họ không dừng lại ở mức độ và phạm vi của con người mà muốn
vươn tới khát vọng nhận biết thế giới của Thần Linh, Thượng Đế hay Thiên Chúa của
họ. Các nhà triết học, tâm lý học, kinh tế học, xã hội học, giáo dục học... có
thể giúp con người chúng ta đạt được 5 nhu cầu đầu tiên của cuộc đời. Riêng người
Công giáo chúng ta, chúng ta còn có các nhà thần học và tu đức học... sẽ hướng
dẫn chúng ta đạt tới việc gặp gỡ, nhận biết và tín thác vào Thiên Chúa.
Vâng, các thần học gia từ bao ngàn năm đã xoay quanh chủ đề về cuộc đời và
sứ vụ của Đức Giêsu. Theo ngôn từ của thánh Gioan thuật lại Đức Giêsu là vị
Chúa sẽ hướng dẫn và giúp chúng ta nhận biết thế giới tâm linh, nhận biết Thiên
Chúa Cha, nhận biết sự sống đời đời, vì Ngài là “đường, là sự thật và là sự sống” (Ga14,6).
Chúa Giêsu đã đến thế gian, trở thành một con người có xương
có thịt như bao người, sống giữa con người, giảng dạy cho con người về chân lý
sự sống. Đức tin người Công giáo xác tín rằng Ngài đến thế gian không phải chỉ
để hướng dẫn con người đạt được nhu cầu vật chất, kiến thức, tình cảm, hay
tương quan xã hội, mà còn giúp con người hướng lên cao để đạt được hạnh phúc đời
đời trong nước thiên đàng.
Thánh Gioan đã thuật lại, trước khi chia tay cách môn đệ để chịu bắt bớ và hy
sinh trên thánh giá, thì Ngài đã hứa Thiên Chúa sẽ cho Ngài sống lại và sẽ được
đưa về trời. Ngài không để ta mồ côi mà Ngài chỉ đi trước để chuẩn bị cho ta một
nơi thật xứng đáng như lời ngài đã hứa: “Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy
đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở
đâu, anh em cũng ở đó” (Ga 14, 2-3). Như thế, sau cuộc
đời dương gian này, chúng ta sẽ được diễm phúc về thiên đàng, được diện kiến
tôn nhan Thiên, được gặp gỡ Đức Maria, các thiên thần, các thánh và tổ tiên ông
bà chúng ta.
Nhưng! Bạn thân mến, khi nhìn xem lại cuộc đời mỗi người chúng ta, ta thấy
rằng vì muốn thỏa mãn nhu cầu vật chất, tiền tài, tình yêu, thành công hay danh
vọng mà ta phải vất cả từ sáng đến tối. Vì muốn thỏa mãn các nhu cầu trước mắt
cho bản thân và gia đình mà ta phải rời xa miền thôn quê lên thành thị, thậm
chí rời xa quê hương đất nước để đến một nơi xa quần quật làm ăn. Nhưng chính
vì bận rộn mà nhiều lúc ta lai bỏ quên Thiên Chúa, không để ý và chăm sóc đến
nhu cầu thiêng liêng của chính mình.
Có bao giờ bạn dừng lại một vài phút giây và suy nghĩ tại sao mình lại bận rộn
như vậy? Khi mình đi tìm những thỏa mãn trần thế thì linh hồn mình được cái gì?
Khi thỏa mãn được rồi bạn có cảm thấy được bình an trong tâm hồn, có cảm thấy
mình được yêu thương như ban đầu không? Có bao giờ bạn nghĩ rằng mình làm việc
là làm cho Chúa, và làm cùng Chúa không? Có bao giờ bạn tâm niệm rằng mình vất
vả làm việc là để cho Danh Chúa được rạng ngời nơi công việc của mình không? Có
bao giờ trước khi làm việc bạn đọc kinh “Sáng Soi” để xin Chúa soi sáng cho bạn
từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa không? Mời bạn hãy đọc lời Chúa
Giêsu đã từng nói với bạn theo ghi chép của thánh Gioan: “Ai tin vào Thầy,
thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc
lớn hơn nữa.” (Ga 12, 12)
Vâng, chúng ta là những người đặt niềm tin vào Chúa. Chúng ta là những người
muốn trở nên giống như Chúa. Hãy chăm lo làm việc để đạt những nhu cầu cần thiết
cho ta, cho gia đình, cho xã hội và cho giáo hội. Chỉ có một điều ta cần bổ
sung và xác tín, đó là khi làm bất cứ điều gì ta nên làm vì nhân danh Chúa.
Chính Đức Giêsu luôn tìm cách giúp các môn đệ và những ai theo Ngài nhận biết
Chúa Cha, thì chúng ta cũng luôn cố gắng để trong mọi lời nói và hành động của mình
luôn có “gen” của Giêsu.
Tóm lại, mục đích cuối cùng của cuộc sống của ta không chỉ nhằm để đạt được
các nhu cầu của thế gian này mà thôi, nhưng còn luôn cố gắng hướng tới một cuộc
sống mai hậu. Đó là sự khác biệt giữa người có niềm tin và người không có niềm
tin. Đó là giá trị của việc loan báo Tin Mừng bằng đời sống, vì: “Cứ dấu này, thì
mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ thầy.” (Ga 13, 35). Hãy biết cân bằng cuộc sống của bạn và thực
thi những gì Chúa dạy. Hãy năng cầu nguyện, tham dự các bí tích và đọc Lời Chúa.
Hãy xác tín Chúa là đường, là sự thật và là sự sống của đời sống của bạn, vì đó
là niềm hạnh phúc đích thực của đời bạn. Vì chính Chúa đã hứa: “Nếu anh em thực
hành, thì thật phúc cho anh em” (Gioan 13, 17).
Lm. Antôn Phạm Trọng Quang, SVD
CHÚA NHẬT V PHỤC SINH NĂM A Gioan 14, 1-12.