24.10.20

ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ VÀ VẤN ĐỀ HÔN NHÂN ĐỒNG TÍNH

 ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ VÀ VẤN ĐỀ HÔN NHÂN ĐỒNG TÍNH

 

Bạn thân mến,

 

Chúng ta đang sống trong những ngày cuối cùng của tháng Mân Côi. Chúng ta tiếp tục lần chuỗi mân côi, cầu nguyện cho anh chị em nơi mảnh đất Miền Trung, đang gặp nhiều tai ương do lũ lụt gây ra trong những ngày qua. Ngoài ra, chúng cũng tiếp tục phát huy lòng bác ái, làm được những gì có thể để giúp họ chóng phục hồi cuộc sống.

 

Ngoài ra, trong những ngày gần đây, chắc có nhiều người trong chúng ta đang quan tâm, thậm chí lo lắng về thông tin Đức Giáo Hoàng Phanxicô kêu gọi luật Hiệp Nhất Dân Sự cho các cặp đồng tính. Thật hư thế nào xin mọi người giành ít phút cùng tôi đi tìm hiểu thêm vấn đề, để chúng ta có những hiểu biết đúng đắn và chia sẻ sự hiểu biết của mình cho những anh chị em xung quanh.

 

Theo tìm hiểu, vào thư Tư, ngày 21 tháng 10 năm 2020, một đại hội điện ảnh được tổ chức tại Roma. Trong đại hội này, ban tổ chức trình chiếu một bộ phim mang tựa đề “Francesco của đạo diễn Evgeny Afineevsky, chủ yếu ghi lại các sự kiện và tư tưởng thần học của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

 

Điểm đặc biệt nổi bật của bộ phim này là Đức Giáo Hoàng Phanxicô kêu gọi ban hành luật Hiệp Nhất Dân Sự cho các cặp hôn nhân đồng tính. Theo tin từ Vietcatholic, Đức Giáo Hoàng nói: “Người đồng tính có quyền là một phần của gia đình. Họ là con của Chúa và có quyền có gia đình. Không ai phải bị gạt bỏ, hoặc bị làm cho khốn khổ vì điều đó.”

 

Đức Giáo Hoàng nói thêm: “Điều chúng ta cần phải có là luật dân sự để công nhận đồng tính; để họ được bảo vệ về phương diện pháp lý.”

 

Như vậy, đây là những câu nói đã gây nhiều xôn xao. Nhất là có nhiều báo chí giải thích rằng tòa thánh Roma đã thay đổi lập trường về hôn nhân đồng tính, thậm chí có nhiều tờ báo đưa tin giật gân, với tít đề “Vatican chấp nhận hợp pháp hôn nhân đồng tính.” Thật vậy, những tiêu đề như thế này đã gây hoang mang trong dư luận, nhất là những người Công giáo. Vậy thì chúng ta nên hiểu thế nào về việc này?

 

1.        KHÔNG CÓ GÌ MỚI TRONG LẬP TRƯỜNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA.

 

Theo tìm hiểu, chúng ta thấy không có gì mới trong lập trường của Đức Thánh Cha về hôn nhân đồng tính. Để chứng minh điều này, chúng ta cùng đọc lại lời của ngài: “Người đồng tính có quyền là một phần của gia đình. Họ là con cái của Chúa và có quyền có một gia đình. Không ai nên bị vứt bỏ, hoặc bị làm cho khốn khổ vì điều đó.” Đây rõ ràng ngài nhấn mạnh về chiều kích mục vụ mà Giáo Hội cần phải phát huy nhiều hơn. Ngài khuyến khích mọi người, nhất là các bậc cha mẹ và người thân không nên tẩy chay, xua đuổi hoặc xa lánh những đứa con được xác định là người đồng tính.

 

Hơn nữa, nếu chúng ta thường theo dõi tin tức của Giáo Hội, chúng ta sẽ hiểu được rằng, Đức Thánh Cha đã nói nhiều lần về ý tưởng này trước đây, nhất là trong chuyến đi mục vụ từ Ai Cập năm 2017, trên chuyến bay về Roma ngài trả lời ký giả về hôn nhân đồng tính, ngài nói: “tôi là ai mà có quyền lên án họ.” Đây dường như là ý nghĩa mà Đức Thánh Cha đã nói về quyền của mọi người, quyền được trở thành một thành phần trong gia đình, cho dù người đó là ai, họ cần phải được tôn trọng và chào đón trong gia đình và cộng đồng. Họ là con cái Thiên Chúa, được tạo dựng bởi Thiên Chúa và giống với hình ảnh của Ngài, thì chúng ta không có quyền xét đoán hoặc kỳ thị bất kỳ ai.

 

2.        NHỮNG NGUY HIỂM TRONG LẬP TRƯỜNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA

 

Khi nói về khái niệm kết hiệp dân sự Đức Thánh Cha phát biểu: “Điều chúng ta cần phải có là luật dân sự để công nhận đồng tính; để họ được bảo vệ về phương diện pháp lý.” Như vậy, nói đến cần luật dân sự là để bảo đảm quyền lại của người đồng tính. Vậy quyền lợi đó là quyền lợi nào?

 

Nếu không có giải thích thêm lập trường này sẽ dễ bị hiểu lầm như thể Đức Thánh Cha đồng ý cho hôn nhân đồng tính, vì nhiều người cho rằng đây là quyền căn bản của con người, cần phải được hợp pháp hóa. Dĩ nhiên, cần phải nhấn mạnh, đây là một giải thích hoàn toàn sai lệch, giải thích này chỉ có lợi cho những ai ủng hộ hôn nhân đồng tính mà thôi.

 

Theo CNA, công bằng mà nói, Đức Thánh Cha không nói gì về chủ đề hôn nhân đồng tính trong đại hội phim. Hơn nữa, trong sứ vụ của ngài, “Đức Thánh Cha Phanxicô đã thường xuyên khẳng định giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, rằng hôn nhân là mối quan hệ hợp tác trọn đời giữa một người nam và một người nữ” đúng như Giáo lý Giáo Hội Công Giáo đã dạy.

 

3.        NÓI THÊM VỀ LẬP TRƯỜNG CỦA GIÁO HỘI

 

Nếu lập trường của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về hôn nhân đồng tính thường được phóng đại để có những hiểu lầm về lập trường của Giáo hội, thì chúng ta cũng nên trở về với lập trường của hai vị Giáo Hoàng tiền nhiệm là Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI.

 

Năm 2003, trong một văn kiện của Bộ Giáo lý Đức được viết bởi Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, sau đó được chấp thuận bởi Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, dạy rằng “sự tôn trọng đối với những người đồng tính luyến ái không thể dẫn đến việc chấp thuận hành vi đồng tính luyến ái hoặc công nhận về mặt pháp lý các kết hiệp đồng tính” (CNA).

 

Như thế, việc tôn trọng, đón nhận và đồng hành với những người đồng tính là một việc làm rất cấp bách, đã có từ lâu trong lời dạy của Giáo Hội. Vì thế Đức Thánh Cha Phanxicô không phát minh gì thêm về một sự kết hợp dân sự là hôn nhân đồng tính, vì đối với đức tin Công Giáo, hôn nhân là một Bí tích, được Thiên Chúa thiết lập giữa “một người nam và một người nữ.” (Bộ giáo luật 1983, điều 1053).

 

Mục đích của hôn nhân là “sinh sản” và “giáo dục con cái” và “chính Chúa Kitô đã nâng giao ước hôn nhân giữ hai người đã được rửa tội lên hàng bí tích” (điều 2333.) Như vậy các kết hiệp dân sự “sẽ che khuất một số giá trị đạo đức cơ bản và làm mất đi giá trị của định chế hôn nhân.” (Vietcatholic)

 

Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo còn dạy rằng những người xác định là người đồng tính “phải được đối xử với sự tôn trọng, lòng trắc ẩn và tế nhị. Cần tránh mọi dấu chỉ phân biệt đối xử bất công đối với họ.” (Giáo Luật điều 2357).  Như vậy, việc Đức Thánh Cha Phanxicô đề cập trong chièu kích mục vụ của ngài, và không có gì sai so với giáo lý của giáo hội.

 

Tuy nhiên, theo đánh giá của cá nhân tôi, trong truyền thống của Giáo Hội chúng ta thường hay né tránh đề cập đến những chủ đề nhạy cảm. Ngược lại, trên cương vị Giáo Hoàng, khi Đức Thánh Cha Phanxicô nhận thấy việc quan tâm người đồng tính là một việc làm cấp bách, thì ngài dám công khai bàn thảo, thậm chí đưa ra ý kiến nhằm bảo vệ những bị ky thị trong xã hội, trong đó có  người đông tính. Chính vì thế, ý tưởng của ngài thường được giải thích thái quá hoặc có nhiều sai lệch so với nguyên ý của ngài.

 

Về phía các đấng bản quyền trong Giáo Hội, theo CNA, “một số giám mục bày tỏ rằng các ngài đang chờ đợi sự rõ ràng hơn nữa đối với những bình luận của Đức Giáo Hoàng từ Vatican” Dĩ nhiên, “giáo huấn của Giáo hội về hôn nhân là rõ ràng và không thể sửa đổi, cuộc đối thoại nên được tiếp tục về những cách tốt nhất để tôn trọng phẩm giá của những người trong các mối quan hệ đồng tính để họ không bị phân biệt đối xử một cách bất công.”

 

Vậy, thưa các bạn, là một thành phần của Giáo Hội, chúng ta đang sống trong xã hội có nhiều tranh cãi về đề tài hôn nhân đồng tính. Thiết nghĩ chúng ta cần dành nhiều thời gian hơn để tìm nhiểu thêm và trao đổi với nhau một cách thẳng thán và đầy thiện chí, nhằm giúp chúng ta có một nền tảng luân lý vững chắc và đức tin vững vàng. Vì, trong khi nhiều nhà hoạt động chính trị đang lợi dụng những ngôn từ của Đức Thánh Cha để phục vụ cho lợi ích của họ hay cho đảng phái của họ, thì sự hiểu biết đúng đắn của chúng ta sẽ giúp bảo vệ được giá trị hôn nhân gia đình, nhất là tôn trọng hết mọi người trong gia đình, không phân biệt bất cứ ai.

 

Kính chúc các anh chị và gia đình luôn được bình an và hạnh phúc trong sự quan phòng của Thiên Chúa và Mẹ Maria.

 

Linh mục Antôn Phạm Trọng Quang, SVD

 

11.10.20

Làm Ngơ

 


Làm Ngơ

Mt  22, 1-10

Trong bài Tin Mừng của Chúa nhật tuần này Chúa Giêsu tiếp tục dùng dụ ngôn để lý giải với các đầu mục tư tế và kỳ lão trong dân chúng về ý nghĩa Nước trời.

Chúa Giêsu kể rằng Nước trời giống như vua kia tổ chức tiệc cưới cho hoàng tử. Sau khi chuẩn bị xong bữa tiệc, vua sai đầy tớ đi mời khách tới dự. Tuy nhiên người nào cũng ngoảnh mặt làm ngơ, từ chối lời mời của đức vua. Ai nấy đều tìm đủ mọi lý do, người thì đi thăm trại, người thì đi buôn bán, người khác còn tệ hơn, bắt đầy tớ vua mà nhục mạ và giết đi.

Nghe thế nhà vua liền tức giận và sai lính đi trừng trị những kẻ bất nhân. Kế hoạch của nhà vua có vẻ đã thất bại. Tuy nhiên, vì lòng nhân từ và tính kiên nhẫn, nhà vua tiếp tục sai đầy tớ ra các ngả đường gặp ai thì mời người đó, vì “tiệc cưới đã dọn sẵn sàng.” Phòng tiệc vì thế đã đầy khách, nhưng oái ăm thay, khi có người vào dự tiệc mà không mặc y phục lễ cưới, vì thế nhà vua đã truyền cho đầy tớ “trói tay chân nó lại, ném ra ngoài nơi tối tăm, ở đó có khóc lóc và nghiến răng.”

Bạn thân mến, Thiên Chúa đã dọn sẵn cho nhân loại bữa tiệc vĩnh hằng, đó là Nước thiên đàng nơi đó đầy mọi thứ niềm vui và hạnh phúc, nơi đó chúng ta được hợp cùng với Đức Mẹ, các thiên thần và các thánh để ca tụng Thiên Chúa uy linh. Tuy nhiên, biết bao nhiêu người đã làm ngơ và không đón nhận lời mời gọi của Thiên Chúa.

câu chuyện dụ ngôn mà Chúa kể cho chúng ta hôm nay cũng rất hợp để áp dụng cho người tín hữu thời nay, nhất là cho các bạn trẻ. Bữa tiệc mà chính Chúa Giêsu đã thiết lập và truyền lệnh cho Giáo hội “hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy,” đó là Thánh Lễ Misa là một bữa tiệc rất quan trọng cho mọi tín hữu nên Ngài đã không ngừng mời gọi chúng ta tham dự, tuy nhiên có biết bao nhiêu người luôn tìm cách ngoảnh mặt làm ngơ, từ chối không đi tham dự thánh lễ.

Cuộc sống ngày hôm nay khiến chúng ta có nhiều lý do để từ chối lời mời của Chúa. Con người thời nay chỉ thích làm việc riêng mình thích. Người thì bảo bận công việc họp hành, người thì bảo phải tham gia gặp gỡ bạn bè, kẻ khác lo đi làm tăng ca, học sinh thì bận lịch học thêm, lại có người quan niệm “đạo tại tâm” nên từ chối không đến với nhà thờ và đến với Chúa.

Thực ra, con người ngày nay đang tìm cách biện minh cho tính ích kỷ cá nhân và sống khép kín của mình. Lối sống của con người ngày nay rất thiếu tính cộng đồng, ngay cả người Công giáo, nhiều người lại không muốn cho người khác biết mình là Kitô hữu. Nhưng chúng ta hãy nhớ rằng đức tin và hành động điều rất quan trọng, cả hai phải tồn tại song song. Chính thánh Giacôbê tông đồ đã nói: “đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2: 17). Vì thế để chứng minh mình là người có đạo, để đón nhận những lợi ích thiêng liêng từ Thiên Chúa, thì chúng ta phải có hành động cụ thể, đó là sự cầu nguyện và tham dự các Bí tích.  

Xin cho mọi người chúng ta luôn sẵn sàng đáp lại lời mời gọi của Chúa, siêng năng tham dự bàn tiệc Thánh Thể bằng tất cả sự yêu mến và biết ơn. Nhất là khi đến với bàn tiệc thánh cần phải biết “mặc áo cưới” đó là tinh thần hân hoan, chăm chú lắng nghe lời dạy của Chúa và thực hành những điều Chúa dạy. Cuộc đời chúng ta sẽ là một ngày lễ, mặc dù hằng ngày chúng ta có biết bao bận rộn và lo âu, nhưng không vì thế mà chúng ta làm ngơ không tham dự thánh lễ quan trọng này cho nên.

Linh mục Antôn Phạm Trọng Quang, SVD

Sứ Vụ Truyền Giáo: Lời Cam Kết Của Thành Viên Phong Trào Cursillo

  Sứ Vụ Truyền Giáo: Lời Cam Kết Của Thành Viên Phong Trào Cu rsillo   1.       Dẫn nhập Buổi chiều ngày cuối cùng khóa “khóa ba ngà...