20.12.20

Xây Dựng Nhiệm Thể Chúa Kitô-Giáo Hội

 



CN IV Mùa Vọng

2 Sm 7, 1-5.8b-12.14a.16; Rm 16, 25-27; Lc 1, 26-38.

 

Nhà, gia tài rất quan trọng trong lòng mọi người, nhất là đối với với người Việt Nam. Nhà là nơi chúng ta được sinh ra, nhà là nơi chúng ta được lớn lên và được giáo dục để trở nên người, cũng từ ngôi nhà gia đình chúng ta đón nhận được nhiều tình thương và kinh nghiệm sống. Tuy nhiên, từ “nhà” mang nhiều ý nghĩa khác nhau: trước hết, đó là cái nhà vật chất, sau nữa đó là cái nhà tinh thần, như là gia đình, trong đó có nhiều người sống tương quan với với nhau. Ý nghĩa thứ ba là ngôi nhà thiêng liêng, chính là Giáo Hội, là nhiệm thể Chúa Kitô (Ep 5, 31). Vậy, đã là con người, nhất là người Công giáo chúng ta luôn được mời gọi ra sức xây dựng các ngôi nhà này cho vững chắc.

Xây dựng ngôi nhà vật chất.

Người Việt chúng ta thường có câu: “an cư lạc nghiệp,” tức là muốn cho công việc làm ăn được ổn định, muốn cho công thành danh toại, trước hết phải “định cư”, phải có cái nhà để ở. Vì thế, nỗ lực đầu tiên của chúng ta là tìm được nơi ở xứng hợp, xây cất được một ngôi nhà khang trang và sạch đẹp để ở. Nhiều người trẻ từ miền quê ngày hôm nay sẵn sàng bỏ gia đình ở quê lên thành thị thậm chí sang các nước khác lao động, để thay đổi cuộc sống. Mục đích thay đổi cuộc sống được đặt ra đầu tiên, đó là khi kiếm được đồng tiền, để xây nên một ngôi nhà, sau đó mới tính những chuyện mua sắm khác.

Người Việt chúng ta, ngay cả khi đã ra nước ngoài, vẫn thích mua những ngôi nhà rất lớn. Mặc dầu công việc rất vất vả, phải chi tiêu cho nhiều thứ cần thiết khác, nhưng ngôi nhà vẫn là mục ưu tiên hằng đầu của các gia đình người Việt, thậm chí có nhiều gia đình có cả hai tới ba ngôi nhà, mục đích là để di chuyển qua lại khi thời tiết thay đổi. Quả vậy, trong thâm tâm của người Việt, chúng ta không muốn ở nhà thuê hay nhà trọ, vì dẫu sao nhà mình vẫn hơn.

Xây dựng ngôi nhà tinh thần

Ngôi nhà tinh thần chúng ta nhấn mạnh ở bài đây, đó là ngôi nhà gia đình. Trong văn hóa Việt Nam, gia đình là một “ngôi nhà” hết sức quan trọng, là nơi người ta được yêu thương, được giáo dục và chia sẻ buồn-vui-sướng-khổ. Vợ, chồng người Việt chúng ta gọi nhau là “nhà tôi ôi”, “bà nhà tôi” hay “ông nhà tôi”... Khi con cái lớn lên chúng muốn cưới vợ lấy chồng thì chúng ta gọi là “xây dựng gia đình,” con cái đã “thành gia thành thất.”

Tóm lại gia đình là một ngôi nhà tinh thần đối với mọi người chúng ta, vì trong đó chúng ta có được tất cả. Gia đình là nơi chúng chúng ta tìm về để có được sự bình yên và bao kỷ niệm, như trong bài hát “Cầu cho cha mẹ,” tác giả viết: “ai qua là bao chốn xa, thấy đâu vui cho bằng mái nhà.” Quả thật, gia đình là ngôi nhà tinh thần rất quan trọng mỗi chúng ta ai nấy đều có trách nhiệm xây dựng và bảo vệ ngôi nhà thân yêu ấy.

Xây nhà thương liêng

Là người Công giáo, ngoài ngôi nhà vật chất và nhà tinh thần ra, chúng ta còn một ngôi nhà thứ ba chúng ta cần phải xây dựng, đó là ngôi nhà Giáo Hội, là nhiệm thể Chúa Giêsu Kitô.

Chúng ta cần quay ngược lại lịch sử để tìm hiểu ý nghĩa của ngôi nhà thiêng liêng, nhiệm thể của Chúa Giêsu, bắt đầu từ câu chuyện ông Đavít. Theo ghi chép của Kinh Thánh, khi “vua được yên cửa yên nhà và Đức Chúa đã cho vua được thảnh thơi mọi bề, ông nói với ngôn sứ Nathan rằng: “tôi được ở nhà bằng gỗ bá hương, còn Hòm Bia Thiên Chúa thì ở trong lều vải” (2 Sm 7, 2). Điều này nói lên ước muốn của Đavít là xây một đền thờ để hòm bia Thiên Chúa ngự, ông cho rằng đây là một việc làm rất cần thiết để tỏ lòng tôn kính Đức Chúa.

Ông Nathan nghe vậy thì khuyên ông Đavít cứ thực hiện như điều ông mong muốn. Tuy nhiên, vì ông Đavít đã già yếu, ông không thể thực hiện được mà phải chờ đến thời của con trai của ông là Salomon mới giúp ông thực hiện giấc mơ quý giá này.

Một điều rất thú vị trong câu chuyện này, khi Thiên Chúa đã biết lòng thành của ông Đavít về việc muốn xây dựng cho Thiên Chúa ngôi đền thờ vật chất, thì Thiên Chúa lại muốn xây dựng một ngôi nhà thiêng liêng, ngôi nhà này sẽ tồn tại đến muôn ngàn đời. Người phán thế này: “Ta sẽ cho ngươi được thảnh thơi, không còn thù địch nào nữa, TaĐỨC CHÚA sẽ lập cho ngươi một nhà. Khi ngày đời của ngươi đã mãn và ngươi đã nằm xuống với cha ông, Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên kế vị ngươi, một người do chính ngươi sinh ra, và Ta sẽ làm cho vương quyền của nó được vững bền” (2 Sm 7, 11-12).

Điều Thiên Chúa hứa ban về một dòng tộc sẽ sản sinh ra một vị quân vương đầy uy quyền. Người con đó là Đức Giêsu, được sinh ra từ cung lòng một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giuse, thuộc dòng dõi vua Đavít. Trinh nữ ấy tên là Maria” (Lc 1, 26).  Nhờ có Đức Maria, mà Đức Giêsu đã xuống thế làm người và ở trong lòng Giáo Hội. Như vậy Giáo Hội là ngôi nhà thiêng liêng, chúng ta là những thành phần của Giáo Hội, chúng ta được ở trong một ngôi nhà thiêng liêng, trong đó có nhiều thành viên, các thành viên này gắn kết mật thiết với nhau và đứng đầu là Chúa Giêsu Kitô.

Hơn nữa, theo lý giải của thánh Phaolô, chúng ta là một thân thể không chỉ vì là thành viên của một cộng đoàn, nhưng vì được chịu cùng một phép rửa và được lãnh nhận một Thần Khí. Trong Giáo Hội, các chi thể chỉ là “một” trong Ðức Kitô. Thánh Phaolô nói: “Anh em là thân thể Ðức Kitô, và mỗi người là một bộ phận” (1Cr 12: 27). Đây là một sự hiệp nhất có tính cách chức năng và sứ vụ, mỗi thành phần có chức năng và nhiệm vụ khác nhau, nhưng đều cùng chung một mục đích là xây dựng thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô nhờ ân huệ của Thần Khí (xem 1Cor 12,12).  

Phản tỉnh:

Chúng ta đang chuẩn bị đón mừng lễ sinh nhật của Chúa Giêsu, Đấng Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta, chúng ta hãy chuẩn bị tâm hồn thật sốt để được tham dự vào mầu nhiệm “thân thể Ðức Kitô.” Cao điểm của việc tham dự này là tham gia các sinh hoạt và nghi thức thờ phượng của Giáo Hội, nổi bật là các thánh lễ Misa, vì theo lời của thánh Phaolô: “Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Ki-tô ư? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao? Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1 Cr 10, 16-17). Như thế cả cộng đoàn cùng đón nhận thân thể Chúa, nên Giáo Hội là một với Ngài, là thân thể của Ngài.

Điều này thật nhiệm mầu và rất khó hiểu đối với chúng ta, nhưng âu cũng giống như Đức Mẹ, khi thiên thần truyền tin rằng Mẹ sẽ mang thai sinh hạ Đấng Cứu Thế, thì mẹ đã rất ngỡ ngàng và thưa với sứ thần, “việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng” (Lc 1, 34). Nhưng sau khi được sứ thần giải thích việc Đức Maria chịu thai là bởi Chúa Thánh Thần thì Đức Maria, thì Mẹ đặt mọi niềm tin vào kế hoạch của Thiên Chúa, liền thưa, “vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1, 38).

Xin cho mọi người chúng ta, luôn biết học hỏi Đức Maria, biết đặt niềm tin vào quyền năng của Chúa Thánh Thần, để chúng ta luôn tin rằng Thiên Chúa, Đấng Emmanuel đang hiện diện trong lòng Giáo Hội, và ở giữa chúng ta. Chúng ta cũng luôn ra sức bảo vệ và xây dựng ngôi nhà thiêng liêng ấy bằng đời sống cầu nguyện, sống các nhân đức và thực thi bác ái như Chúa Kitô và Giáo Hội mong muốn.

Linh mục Antôn Phạm Trọng Quang, SVD

12.12.20

Để Người Được Lớn Lên

 

Để Người Được Lớn Lên

CN III Mùa Vọng Năm B

Ga 1:6-8, 19-28

Nếu thường dùng internet, chúng ta thấy những năm gần đây xuất hiện nhiều đoạn phim ngắn, nội dung rất thực, gần với cuộc sống đời thường, vì thế người xem rất dễ cảm động và thích lấy làm thích thú. Tuy nhiên, khi người xem đang chú tâm với những tình tiết đầy cảm xúc của câu chuyện, thì đoạn phim bất ngờ kết thúc với thông tin quảng cáo, thường là cho một thương hiệu hoặc một sản phẩm gì đó.

Cũng vậy, vài năm gần đây, trong lĩnh vực giải trí của người Việt, chúng ta cũng thấy thể loại phim ngắn này cũng đã xuất hiện nhiều trên facebook, youtube và các giao diện khác. Các đoạn phim ngắn thường khai thác các tình huống rất gần gũi với cuộc sống xung quanh ta. Ví dụ khi một ai đối xử tệ với người quyét rác, với người bán hàng rong, với phụ nữ, với trẻ em hay với người già..., thì đột nhiên có một “anh hùng” nào đó xuất hiện, người này lên tiếng bênh vực cho người được coi là “thấp cổ bé miệng” và tìm cách lấy lại danh dự cho họ.

Thường các tình tiết trở nên căng thẳng qua cuộc đối thoại giữa người gây ra bất công và người được coi là “anh hùng”. Người trong cuộc hỏi: “anh, hoặc cô là ai mà dám xen vào chuyện của người khá?”  Kẻ anh hùng sẽ trả lời “tôi là T.K” hay “tôi là M.L.” Các bạn trẻ gọi phong cách của các đoạn phim ngắn này là những “cái kết bất ngờ”. Mục đích của phim là nhằm quảng bá tên tuổi của một ai đó và để muốn người khác theo dõi kênh cá nhân của mình chứ không chỉ đơn giản là để quảng bá về giá trị đạo đức mà họ thực hiện khi giúp đỡ người khác.

Đây là trào lưu chung mà con người thời nay đang sử dụng để giới thiệu về danh tính hay sản phẩm của chính mình. Còn chúng ta thì sao, mục đích đời sống chúng ta là gì? Những công việc của chúng ta làm hằng ngày có phải là để tìm cơ hội tôn vinh chính mình không, hay ta sống vì một mục đích cao cả nào khác? Chúng ta cùng nhau suy gẫm câu chuyện về ông Gioan Tẩy Giả, để thấy được cách xử sự của ông thật rất đặc biệt, khác hoàn toàn với những gì chúng ta đang chứng kiến trong xã hội.

Tin Mừng của Thánh Gioan Tông Đồ kể rằng, khi dân chúng thấy ông Gioan Tẩy Giả rao giảng về phép rửa sám hối thì họ rất kính phục. Sứ điệp ông rao giảng có sức hấp dẫn và lôi cuốn một cách mãnh liệt. Vì thế, các thượng tế và thầy Lêvi sai người đến hỏi xem ông là ai. Ông Gioan trả lời: “Tôi không phải là Đấng Kitô.” (Ga 1:20) Người ta hỏi ông hay ông là Êlia chăng, thì ông trả lời: “Tôi không phải là Êlia.” (Ga 1:21) Vậy ông có phải là một vị ngôn sứ không, thì ông khẳng định: “Tôi không phải.” (Ga 1:21) Rồi ông tiết lộ: “Tôi là tiếng hô trong hoang địa: Hãy sửa đường ngay thẳng cho Đấng cứu thế đến như ngôn sứ Êlia đã loan báo.” (Ga 1:23).

Đoạn hội thoại giữa ông Gioan Tẩy Giả và những người Lêvi cho chúng ta thấy ông Gioan Tẩy Giả là người rất khiêm tốn, không quy công cho chính mình và luôn tìm cách giới thiệu hình ảnh Đức Kitô cho dân chúng.

Sự khiêm nhương: Khi dân chúng thấy những lời rao giảng của ông đầy hấp dẫn, họ theo ông vào hoang địa để nghe ông giảng. Thấy vậy, ông không muốn được ca tụng vì những thành tựu của mình mà khiêm tốn nhận mình chỉ là tiếng hô trong hoang địa. Ông chỉ muốn nhận vai trò của ông là dọn đường cho thẳng để chuẩn bị đón Đấng Kitô sắp đến.

Không phô trương: Từ cổ tới kim, chúng ta đều thấy con người thích phô trương, luôn tìm cách đánh bóng tên tuổi của mình. Nhất là trong thời kỳ của ông Gioan tại thế, người ta chán ngấy tình trạng xã hội suy đồi ở vùng Palestine.  Không chỉ có dân chúng mà các nhà lãnh đạo đất nước cũng như tôn giáo, đời sống của họ hết sức suy đồi. Vì thế, dân chúng đang chờ đợi một Đấng Messia đến để giải thoát họ khỏi ách nô lệ, giúp cho đất nước giàu mạnh và dân tộc được vững bền. Trong tình huống đó sứ điệp sám hối của ông Gioan đã làm dấy lên niềm hy vọng trong dân. Tuy nhiên, ông Gioan đã rất khiêm tốn, chấp nhận vị thế của mình trong vai trò làm chứng cho Đức Kitô, chứ không lạm dụng hay quy công cho chính mình, tránh xa những danh vọng mà mọi người đang muốn tôn vinh ông.

Làm chứng cho Đức Kitô: Mục đích việc ông Gioan chân nhận đúng giá trị của mình, không muốn để cho người khác chú ý đến mình là để giới thiệu về con người Đức Kitô, Ngài là Đấng cứu thế, Đấng tối cao, đấng mà muôn dân hằng mong đợi. Ông Gioan chủ trương rằng Đấng Kitô phải được lớn lên, còn ông phải bị lu mờ đi, (xem Ga 3:30) nghĩa là Đấng Kitô phải được tôn vinh, còn ông phải lùi vào bóng tối.

Thật vậy, chúng ta đang sống trong một xã hội có xu hướng tham vọng tôn thờ giá trị cá nhân. Chúng ta thấy rất rõ, ngày nay các tổ chức, các đoàn thể và đến các cá nhân, ai cũng muốn tìm cách xây dựng một lâu đài cá nhân càng kiên cố chừng nào càng tốt. Cái tôi hay giá trị cá nhân là cái mà chúng ta gọi là cái quyền mà không ai được xâm phạm. Sống trong bối cảnh môi trường xã hội đó, ít nhiều chúng ta cũng bị ảnh hưởng trong cách suy nghĩ và hành vi của mình. Vậy, câu chuyện của thánh Gioan ngày hôm nay, có giúp chúng ta phản tỉnh và học được bài học gì quý báu không?

Đối với các giáo xứ và cộng đoàn, chúng ta đang hân hoan chuẩn bị đón lễ Chúa giáng trần bằng các công trình làm hang đá đồ sộ để thu hút người về tham dự thánh lễ, thậm chí để hấp dẫn những người lương dân về tham quan và chụp hình. Tuy nhiên, đây là hình thức mang tính bề ngoài, nó sẽ qua đi một cách mau chóng. Vì thế, ngoài việc làm hang đá, giăng điện khắp đường làng khu phố, trang trí nhà thờ, chúng ta cũng nên dành nhiều sự quan tâm đến người nghèo, thăm viếng người già, những ai bệnh tật.... Hoặc khi các bạn lương dân tới viếng hang đá, tham dự lễ, chúng ta cũng tìm cách đón tiếp và giới thiệu Chúa cho họ, để họ cũng mầu nhiệm Chúa Giêsu Giáng Sinh.

Với các vị mục tử, khi chuẩn bị cho lễ Giáng Sinh, chúng ta thường bận rộn với nhiều chương trình sinh hoạt trong giáo xứ mà quên dành thời gian để cầu nguyện, giúp giáo dân chuẩn bị tâm hồn để đón nhận Chúa vào trong đời sống của họ. Ước chi các mục tử chúng ta đừng quá bận rộn với những công việc chỉ mang lại tiếng thơm cho chính cá nhân chúng ta, mà cũng cần biết “lánh xa một bên, tìm nơi thanh vắng”, mà cầu nguyện, chuẩn bị bài giảng chu đáo, những nội dung có giá trị để giúp nhiều người hiểu được ý nghĩa đích thực của lễ Giáng Sinh.

Và đối với các giáo dân, mặc dầu đang trong Mùa Vọng, nhưng chúng ta đã bắt đầu lo toan việc tặng quà và dự tính tổ chức tiệc tùng cho ngày lễ Giáng Sinh. Ước mong mọi người chúng ta ý thức được rằng những việc làm này tuy cần thiết nhưng cũng không giá trị cho bằng việc dành nhiều thời gian tham dự thánh lễ, tham dự các buổi tĩnh tâm, xưng tội và cầu nguyện, để có một tâm hồn thật đơn sơ và trong sạch, để Ngôi Hai Thiên Chúa được ngự vào trong tâm hồn chúng ta.

Linh mục Antôn Phạm Trọng Quang, SVD


http://www.vietcatholic.net/News/Html/263970.htm

Sứ Vụ Truyền Giáo: Lời Cam Kết Của Thành Viên Phong Trào Cursillo

  Sứ Vụ Truyền Giáo: Lời Cam Kết Của Thành Viên Phong Trào Cu rsillo   1.       Dẫn nhập Buổi chiều ngày cuối cùng khóa “khóa ba ngà...