30.8.08

Chỉ tên những tật xấu của người Việt thời nay

26.08.2008

Xem hình
Sự khủng hoảng của nền giáo dục ở các cấp đã có ảnh hưởng tức thời đến hiện tượng "người Việt xấu xí"
Chúng ta hãy cùng nhau lên một danh mục, tạm gọi là “Danh mục các thói hư, tật xấu của người Việt thời nay" nhằm “vạch mặt, chỉ tên” càng chính xác càng tốt những biểu hiện tinh vi và đa dạng của nó.

Nét gia phong thời xưa

Chắc nhiều người còn nhớ thời kỳ sau năm 1975, ai đi Nam về cũng có chung một nhận định: trẻ con trong đó hầu như rất ít nói bậy và viết những điều tục tĩu lên tường nơi công cộng, đi đâu về nhà thì lễ phép cung kính chắp hai tay thưa gửi người bề trên. Đặc biệt, chẳng may ra đường có bị đụng xe thì người ta cũng không mấy khi nổi khùng cãi vã dẫn tới xô xát như bây giờ.
Trẻ em ở vùng bà con theo Công giáo cũng có những nét sinh hoạt như vậy, và nhiều bậc cha chú cho tới nay vẫn còn giữ những hoài niệm đẹp về người Tràng An thuở trước thanh lịch, tế nhị mà rất đỗi phong lưu.


Người ta đã nhồi nhét tới mức quá tải những mái đầu còn non nớt
bằng bao tiết học chính khóa lẫn học thêm các môn Toán, Lý , Hóa,Văn…
trong khi đó giáo dục thể chất và tinh thần chưa bao giờ được đầu tư đúng mức.

Nói như vậy không có nghĩa là thời trước không có "người Việt xấu xí", nhưng có lẽ trong kỷ nguyên của hội nhập quốc tế hôm nay, vì lòng tự trọng, tự tôn dân tộc, chúng ta cần có thái độ tự phê phán cao hơn, khi phải hàng ngày hàng giờ tự soi mình vào tấm gương toàn cầu hóa, để phát hiện ra và tích cực sửa những nét lạc lõng, dị biệt với mọi giá trị nhân văn của thế giới văn minh.

Điểm xuất phát của chặng đường tự sửa mình gian nan đó phải được bắt đầu từ gia đình - tế bào của xã hội, cụ thể là hình thành và gìn giữ gia phong hay còn gọi là văn hóa gia đình. Nói như nhà văn Băng Sơn, gia phong là một điều gì đó không nắm bắt cụ thể như bọc tiền, như lạng vàng, như cái bằng khen đóng khung…

Nhưng nó lại rất hữu hình trong tâm hồn ta, trong thể xác ta, từng ngày, hàng giờ. Một lời ăn tiếng nói, một cách tiếp khách, một kiểu học bài, một người bạn nên giao du…

Gia phong có khi chỉ là một cái lừ mắt của người cha, một câu chuyện nhỏ trong bữa cơm chiều của người mẹ, một làn khói trên bàn thờ gia tiên…Nét văn hóa thấm đẫm vào mọi thành phần trong mỗi gia đình, là môi trường quyết định cho con người đi vào xã hội.

Và thật bất hạnh thay cho những ai không có truyền thống tốt đẹp trong gia phong như thế, và cũng bất hạnh cho ai đã phá vỡ gia phong của mình, mà nguy hiểm thay nếu nhiều người cố ý hay vô tình đang làm mất gia phong của gia đình, tộc họ mình đi. Mất gia phong, nhiều kẻ giàu xổi học đòi, nhất thời bột phát đã có kết cục bi thảm ngay trong đời con, cháu, chứ đâu có xa!

Chữ "lễ" thời nay và sự cần thiết của hình phạt

Câu “tiên học lễ,hậu học văn” thời nay có thể bắt gặp ở bất cứ trường tiểu học nào. Theo thứ tự "lễ" phải được thấm nhuần trước, là môi trường sư phạm cần phải có để dẫn truyền kiến thức văn hóa.

Nhưng trong thực tế người ta đã nhồi nhét tới mức quá tải những mái đầu còn non nớt bằng bao tiết học chính khóa lẫn học thêm các môn Toán, Lý , Hóa,Văn, v.v… trong khi đó giáo dục thể chất và tinh thần chưa bao giờ được đầu tư đúng mức.
Rút cuộc, chúng ta đã tạo ra một nền giáo dục đầy bức xúc và stress, có nguy cơ sản sinh ra những thế hệ công dân tư duy thụ động theo lối mòn, xơ cứng giáo điều, nghèo nàn và "cục súc" trong văn hóa giao tiếp, yếu ớt về thể chất và dị biệt với các bạn đồng lứa trên thế giới.

Sự khủng hoảng của nền giáo dục ở các cấp đã có ảnh hưởng tức thời đến hiện tượng “người Việt xấu xí“ đang có chiều hướng gia tăng – một bộ phận trẻ em hư hỏng, bất cần đời đi bụi, thanh niên đua xe, nghiện ma túy rồi phạm pháp v.v…

Giáo trình môn đạo đức học trong nhà trường rất thiếu những bài giảng sinh động mang tính thực tiễn đề cập thẳng thắn tới những thói hư tật xấu hay gặp nhất của người Việt trong bối cảnh của hội nhập quốc tế. Chẳng có tiết giảng nào răn dạy các em không nên ngoáy mũi hay nói to nơi công cộng… Và đáng thất vọng hơn là xã hội chưa có chế tài xử phạt những hành vi thiếu văn hóa trên quy mô cả nước.


Cùng lập một Danh mục các thói hư, tật xấu của người Việt thời nay",
để nhận thức và đẩy lùi con bệnh "Người Việt xấu xí"

Để có một Singapore là hình mẫu của văn minh đô thị, người ta đã phải mất hàng chục năm liên tục kết hợp giữa các hình thức giáo dục đại chúng và xử phạt nghiêm minh đúng người đúng tội bằng tiền hoặc roi đối với những kẻ làm ô uế nơi công cộng. Hẳn chúng ta còn nhớ vụ một thanh niên Mỹ bị phạt đánh do viết bậy lên tường và Tổng thống Hoa kỳ lúc đó cũng không thể xin miễn tội.

Nhận thức là một quá trình diễn ra không hề trơn tru và dân trí cũng vậy, nó đòi hỏi cả xã hội phải chung sức chung lòng cùng sự công tâm, gương mẫu của các nhân viên công quyền.

Chẳng hạn, muốn người dân tâm phục khẩu phục và tự giác chấp hành luật lệ giao thông thì trước tiên phải chứng tỏ rằng trong lĩnh vực này không có chỗ cho hành vi hối lộ. Kẻ đưa hối lộ sau khi đi trót lọt bao giờ cũng có suy nghĩ coi thường (vì đã có thể mua được bằng tiền) người nhận hối lộ và tin rằng hành vi này có thể được tái diễn mà vẫn tránh được sự trừng phạt. Thói hư, tật xấu cứ như vậy mà bùng phát trong xã hội như nấm mọc dại sau cơn mưa rào.

"Đẩy lui con bệnh"

Con bệnh ”người Việt xấu xí” có thể dần dần bị đẩy lui, trước tiên là về mặt nhận thức chúng ta hãy cùng nhau lên một danh mục, tạm gọi là “Danh mục các thói hư, tật xấu của người Việt thời nay" nhằm “vạch mặt, chỉ tên” càng chính xác càng tốt những biểu hiện tinh vi và đa dạng của nó. Xin mạnh dạn đưa ra trình bày với các độc giả bản phác thảo của danh mục này.(*).
Bước tiếp theo, đối với từng bệnh lý, phần hướng dẫn hành động cụ thể sẽ được trình bày theo phác đồ sau (Lấy ví dụ thói hư, tật xấu là con bệnh đua xe ở các đô thị lớn, tên bệnh được bắt đầu bằng chữ cái Đ và bệnh tham nhũng bắt đầu bằng chữ T).

(1)

Tên bệnh: (Đ) Đua xe

Hoàn cảnh phát sinh: Trong thời gian diễn ra các sự kiện thể thao lớn hoặc ngày lễ

Biểu hiện lâm sàng: Tụ tập nhiều xe máy với các tay đua “ cảm tử” quá khích phóng nhanh, lượn lách giữa phố đông người gây nguy hiểm nghiêm trọng.

Nhóm dân cư có nguy cơ nhiễm bệnh cao: Thanh niên,học sinh sinh viên tuổi từ 16-25, không được gia đình quan tâm giáo dục, đặc biệt có nhiều con nhà khá giả sung túc

Phương pháp điều trị: Đặt các chốt ngăn đua xe và sử dụng các công cụ chuyên dụng của cảnh sát; xử phạt nghiêm theo pháp luật; giáo dục qua nhiều hình thức: kết hợp giữa xã hội và gia đình

(2)

Tên bệnh: (T)Tham nhũng

Hoàn cảnh phát sinh: Quyền lực được giao nhưng thiếu môi trường giám sát, minh bạch và công khai

Biểu hiện lâm sàng: Biến của cải chung thành tài sản riêng , đi kèm theo là mất dân chủ , trù dập người ngay thẳng làm suy thoái ,biến chất bộ máy công quyền

Nhóm dân cư có nguy cơ nhiễm bệnh cao: Các nhân viên bộ máy nhà nước có quyền hành đối với các nguồn lực và quyền điều chỉnh hành vi, áp đặt chế tài

Phương pháp điều trị: Gắn quyền với trách nhiệm; Thiết kế hệ thống giám sát hiệu quả; Phân cấp, phân quyền để tránh tập trung quá đáng các quyền năng; Mở rộng dân chủ, minh bạch, bàn bạc công khai trước khi ra các quyết định quan trọng.

Có thể nói con bệnh “người Việt xấu xí “ là thể hiện một trạng thái bức xúc trong tâm thức của xã hội Việt nam hiện đại và chúng ta cũng không đơn độc vì ở nhiều xã hội khác, trong những hoàn cảnh nào đó cũng từng xảy ra tình hình tương tự.

Khi con người trở nên quá bé nhỏ và bất lực trong trận đồ, mê cung của những cám dỗ vật chất, quyền lực và thói vị kỷ thì tia sáng cuối đường hầm bao giờ cũng lóe ra từ chính kho tàng tuệ giác hay những giá trị văn hóa tinh thần , tâm linh của dân tộc. Chúng ta là chủ nhân của nền văn hóa đó mà không khai thác thì rất lãng phí!

TS Phạm Gia Minh

Không có nhận xét nào:

Sứ Vụ Truyền Giáo: Lời Cam Kết Của Thành Viên Phong Trào Cursillo

  Sứ Vụ Truyền Giáo: Lời Cam Kết Của Thành Viên Phong Trào Cu rsillo   1.       Dẫn nhập Buổi chiều ngày cuối cùng khóa “khóa ba ngà...