28.5.10

NĂM CÁCH CHUẨN BỊ TÂM HỒN TRƯỚC THÁNH LỄ

Chuẩn bị tâm hồn trước Thánh Lễ: Trong cuộc sống thường nhật, khi làm bất cứ việc gì chúng ta cũng đều phải có bước chuẩn bị. Khi chúng ta đi du lịch, cần chuẩn bị hành lý và xem vấn đề an toàn của chuyến đi. Khi chúng ta đi xem ca nhạc hay đi xem thể thao bóng đá, chúng ta cũng cần đến sớm để kiếm chỗ ngồi. Khi chúng ta tổ chức các buổi tiệc, ai nấy đều phải nghĩ đến phải chuẩn bị các món ăn thức uống gì.

Chuẩn bị là một bước quan trọng cho sự thành công trong công việc hằng ngày. Chuẩn bị tốt sẽ giúp chúng ta biết được điều gì sắp xảy ra và đồng thời giúp cho việc hoàn thành mục đích của chúng ta được hoàn hảo. Như thế, nó cũng giúp chúng ta cảm thấy yên tâm, tự tin và thoải mái trước mọi vấn đề. Chẳng có gì khác hơn: việc chuẩn bị tâm hồn trước khi tham dự Thánh Lễ cũng có tầm quan trọng như vậy.

Chuẩn bị tâm hồn trước Thánh Lễ: Đối với giáo dân việc chuẩn bị tâm hồn trước giờ lễ cũng là một việc hết sức quan trọng. Bởi vì, linh mục thì chuyên lo chuẩn bị bài giảng. Người đọc sách lo coi trước bài đọc. Ca trưởng lo chuẩn bị bài hát thích hợp với bài đọc, ca đoàn lo luyện hát. Các chú giúp lễ lo soạn áo lễ, bánh rượu. Ban phụng vụ phu trách kiểm tra bàn thờ, chuẩn bị hoa nến. Có người còn lo cả việc quét dọn nhà thờ nữa.

Chắc chắn ai cũng đồng ý việc chuẩn bị này rất quan trọng đối với sự thành công của nghi thức Thánh lễ. Nhưng rất ít người để ý những ai ngồi dưới tham dự thánh lễ cũng phải chuẩn bị tâm hồn trước khi tham dự Thánh Lễ nữa.

Vâng, ở đây chúng ta đề cập năm cách thức để chuẩn bị tâm hồn. Mặc dầu có chút khó khăn khi thực hiện, nhưng nó bảo đảm sẽ giúp ta đi sâu vào sự kết hiệp thân mật với Đức Kitô và với mọi người trong cộng đoàn hơn.

1. Nhận biết tại sao chúng ta có mặc ở nhà thờ
Thánh Lễ là một Nghi thức, “Nghi thức” theo nguyên nghĩa của ngôn từ Hy lạp là “Công việc của con người”. Bạn đến với Thánh Lễ không phải như là người bàng quan, nhưng là để tham dự giờ cầu nguyện chung, cùng với mọi người trong giáo xứ tạ ơn và thờ phượng Thiên Chúa. Đến với Thánh Lễ chúng ta không chỉ là một cá nhân đơn độc nhưng là một thành phần quan trọng trong thân thể mầu nhiện của Đức Kitô.

Dành ít phút mỗi tuần để suy nghĩ về địa vị của mình trong thân thể này, như vậy sẽ giúp ta hiểu rõ hơn giá trị của mình trong lòng Giáo Hội, đồng thời giúp ta thấy rõ bao nhiêu món quà quý báu mà Chúa dành cho chúng ta hằng ngày. Chúng ta cũng thấy rõ hơn tương quan của mình đối với mọi giáo dân trong cộng đoàn.

2. Phản tỉnh các bài đọc
Dành ít phút đặc biệt trong ngày để coi trước các bài đọc, Thánh Vịnh và Phúc Âm của thánh lễ. Để cho lời Chúa từ từ thâm nhập vào tâm hồn và lòng trí của chúng ta. Lời Chúa có ích gì cho chúng ta, Chúa muốn nói gì với ta qua các bài đọc này? Có lời mời gọi nào dành cho ta hay cách thức nào mà Chúa dùng để hướng dẫn ta qua các bài đọc.

Để cho việc phản tỉnh lời Chúa cách dễ dàng và có hiệu quả hơn chúng ta cũng nên tìm đọc các tạp chí hay các tờ báo đạo, mạng internet. Nếu thực hiện được như vậy thì chắc chắn chúng ta sẽ rất dễ dàng chuyên chăm lắng nghe các bài đọc, hứng thú nghe bài giảng, đồng thời càng có sự thăng tiến về đời sống tâm linh của mình.

3. Suy nghĩ về của lễ hiến dâng của chúng ta
Khi đến nhà thờ, chúng ta mang đến trước bàn thờ Chúa với tất cả những gì chúng ta có và hiến dâng cho Ngài. Thật quý giá biết chừng nào nếu chúng ta biết lo chuẩn bị những hiến lễ này trước khi đến nhà thờ. Chẳng hạn niềm vui nào ta sẽ dâng, nỗi buồn hay gánh nặng nào chúng ta muốn xin Ngài xoá bớt cho. Tất cả mọi thứ chúng ta đề có thể chia sẽ và cầu xin cùng Thiên Chúa.

Cũng có thể nghĩ đến tình trạng của tâm hồn chúng ta. Chúng ta đã hoàn toàn hiến dâng chính mình cho Thiên Chúa chưa? Chúng ta đã hoàn toàn cảm thấy tự do, hay còn oán hận một ai. Chúng ta có cần sức mạnh ơn Chúa để tha thứ cho ai hoặc xin được ai tha thứ không? Chúng ta cũng cần cầu xin Chúa tha thứ để xứng đáng tham dự Nghi Lễ Hiến Tế và Giải Hoà này.

Mọi lời cầu xin chúng ta đề có thể dâng lên, đồng thời cảm tạ Thiên Chúa vì những gì Ngài ban tặng cho ta.

4. Ý thức chính mình là thành phần của cộng đoàn
Chúng ta cần đến sớm trước giờ lễ. Khi đến nếu gặp thấy những giáo dân khác thì tay bắt mặt mừng, chào đón mọi người cách thân mật, luôn ý thức rõ mình là một thành phần trong thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô.

Khi vào nhà thờ cần nhúng nước phép vẽ hình thánh giá trên trán để nhắc nhớ về Bí tích Rửa tội mình đã lãnh nhận, đồng thời đây cũng là dấu chỉ khiến chúng ta trở thành một thành phần trong cộng đoàn Kitô giáo. Vào nhà thờ cần nghiêm trang bái quỳ hoặc cúi đầu phục lạy Thiên Chúa. Những hành động bên ngoài này nhằm nói lên lòng tôn kính của chúng ta đối với Thiên Chúa trong tâm hồn của mình, vì Thiên Chúa hiện diện trước mặt mọi người chúng ta.

5. Tháp nhập vào sự hiện diện của Thiên Chúa
Cần giữ yên tĩnh trong tâm hồn trước giờ lễ, giữ cho tinh thần thoải mái, để cho các lo lắng và khó nhọc ra khỏi đều óc của chúng ta.

Nên nhớ giữ chay Thánh Thể trước khi rước lễ. Hành vi này giúp ta biết khát vọng lãnh nhận Thiên Chúa vào lòng. Để cho sự khát khao này kéo dài và xin Chúa đổ đầy lương thực hằng sống cho tâm hồn chúng ta. Xin Chúa Thánh Thần phán dạy chúng ta qua các bài đọc, các bài hát, bài giảng của linh mục, các lời cầu nguyện và ngay cả các giây phúc nguyện gẫm của chúng ta.

Tất cả những gì mà chúng ta làm để chuẩn bị cho Thánh lễ sẽ giúp chúng ta thâm nhập sâu hơn vào mầu nhiệm hiến tế của Thiên Chúa. Nếu chúng ta bắt đầu công việc chuẩn bị này thái độ của chúng ta đối với Thánh Lễ cũng sẽ chuyển đổi. Thánh lễ sẽ trở nên quan trọng hơn cho chúng ta. Đầu óc chúng ta sẽ khám phá nhiều tình thương của Chúa, con tim chúng ta sẽ mở rộng hơn để đón nhân tình yêu của Ngài, và linh hồn chúng ta sẽ trở nên tràn đầy lòng biết ơn và cãm tạ đối với Thiên Chúa.

Lm. Phạm Trọng Quang, SVD
(Theo tạp chí “The Priest”)

Không có nhận xét nào:

Sứ Vụ Truyền Giáo: Lời Cam Kết Của Thành Viên Phong Trào Cursillo

  Sứ Vụ Truyền Giáo: Lời Cam Kết Của Thành Viên Phong Trào Cu rsillo   1.       Dẫn nhập Buổi chiều ngày cuối cùng khóa “khóa ba ngà...