8.3.19

BÍ QUYẾT ĐỂ SỐNG TRỌN VẸN TINH THẦN MÙA CHAY



Hằng năm, cứ vào Mùa Chay là mọi người nhắc nhớ nhau ăn chay kiêng thịt, siêng năng cầu nguyện và thực thi bác ái. Đặc biệt những năm gần đây, khi internet phổ biến, người Công Giáo đã tích cực chia sẻ nhiều hình ảnh và thông tin về Mùa Chay để lý giải ý nghĩa của Mùa Chay cho mọi người hiểu và thực hành tinh thần của Mùa Chay. Vào ngày thứ Tư lễ Tro bên Mỹ, khi đến trường, tôi thấy chính giáo viên và mấy người bạn học trong lớp còn để vết tro hình thánh giá trên trán khi đến lớp. Dĩ nhiên, trước khi vào học, mọi người cũng chia sẻ sơ qua về cảm nghiệm của mình khi tham dự thánh lễ thứ Tư Lễ Tro. Như thế chúng ta đã chính thức bước vào Mùa Chay, mùa của chay tịnh, mùa của cầu nguyện và mùa của chia sẻ tình thương. Trong tâm tình này, người viết xin được chia sẻ thêm một vài cảm tưởng của mình về ba hành động quan trọng nói trên trong Mùa Chay của Giáo Hội.

Ăn Chay

Đối với việc ăn chay, có vẻ không khó khăn lắm đối với nhiều người trong xã hội ngày hôm nay, vì ngày nay cơ thể ai cũng đủ cường tráng và khỏe mạnh. Xin nói vui một chút, ngày nay đa số ai cũng “dư mỡ thừa cân”, bởi thế Mùa Chay nếu giảm ăn có thể giúp giảm cân và có lợi cho sức khỏe. Còn kiêng thịt, cũng là một việc rất dễ thực hiện cho nhiều người trong thời đại ngày nay, vì thịt ngày nay còn rẻ hơn rau quả, với lại nếu ăn thịt nhiều càng dễ gây dư mỡ thừa cân, cho nên, có vẻ ăn chay kiêng thịt thực sự là một việc hữu ích thực thụ cho cơ thể và cho túi tiền. Tuy nhiên, để giữ trọn chay tịnh hình như vẫn là việc rất khó đối với nhiều người Công Giáo chúng ta. Vì vậy, rất nên suy nghĩ thêm về tinh thần ăn chay để làm sao việc ăn chay của chúng ta trở nên có ý nghĩa và dễ dàng hơn?

Tôi còn nhớ, mấy năm trước khi còn dạy học ở trường học Công Giáo FuJen ở Đài Loan, có một nhóm người tín hữu Tin Lành vào gặp tôi và trình bày một chương trình gọi là “Ji-e 12”(飢餓二十), tạm dịch là “12 Giờ Nhịn Đói”. Mục đích của họ là mời gọi học sinh tham gia một chương trình nhịn đói suốt 12 giờ đồng hồ. Suốt một ngày không ăn uống gì là để dành tiền ăn ngày hôm đó giúp cho các em học sinh nghèo ở Châu Phi. Ý tưởng này ban đầu tưởng chừng như không thành. Nhiều người nghĩ, không thể mời gọi các em học sinh nhịn ăn suốt một thời gian dài như vậy. Thứ nhất, các em học sinh rất thích ăn vặt, họ sẽ không đủ kiên nhẫn để giữ trọn một việc làm có nhiều thử thách đến thế. Thứ nhì, việc nhịn đói sẽ ảnh hưởng đến việc học của các em học sinh. Thế nhưng khi chúng tôi trình bày ý tưởng này thì có rất nhiều học sinh hưởng ứng, thậm chí chúng tôi phải giới hạn con số tham gia.

Điều đáng ngạc nhiên nữa là các em đã nhịn đói suốt ngày hôm đó mà không ai có hiện tượng bất thường nào. Mặc dù ban tổ chức đã chuẩn bị một ít sữa và bánh ngọt để kịp thời tiếp ứng nếu học sinh có biểu hiện đuối sức, nhưng suốt ngày hôm đó các em vẫn học tập và sinh hoạt rất bình thường. Thậm chí sau này có nhiều em còn thành công trong việc tham gia chương trình nhịn ăn suốt 30 giờ vì người nghèo.

Như vậy, việc nhịn ăn một ngày hoặc một bữa ăn của một người bình thường là một việc làm rất dễ dàng nếu chúng ta có động lực và hiểu được ý nghĩa của nó. Còn không, ngày mà chúng ta ăn chay, lại là lúc chúng ta cảm thấy đói và “thèm ăn” đến lạ lùng. Có thể đây là một vấn đề tâm lý hay một lý do có tính siêu nhiên chăng. Có ý kiến cho rằng, lúc chúng ta ăn chay thì chúng ta luôn nghĩ trong đầu rằng “hôm nay tôi ăn chay”, nên chúng ta luôn cảm thấy mình đang “rất đói” và mong cho thời gian qua nhanh để “giải quyết” cái đói tâm lý của mình. Vậy thì, làm thế nào để chúng ta vượt qua được cái đói đó? Đó là cầu nguyện.

Cầu nguyện

Về phương diện siêu nhiên, khi chúng ta đang ăn chay thì cũng là lúc chúng ta đang gặp nhiều chước cám dỗ. Ma quỷ luôn nói với chúng ta rằng: “tội nghiệp quá, ở đây có món ngon nè, ăn đi”; có lúc chúng nói: “buổi sáng nhịn đói, buổi trưa ăn cơm ít, lại không ăn thịt, giờ đói bụng rồi thì ăn miếng bánh đi”; hay chúng lại nói: “ăn chút trái cây, uống ly sữa thôi mà, không có sao đâu”. Ma quỷ luôn tìm cách cám đỗ chúng ta như ngày xưa chúng cám dỗ Chúa Giêsu khi Ngài đang ăn chay và cầu nguyện trong hoang địa vậy. Khi Chúa đói, chúng còn bảo Chúa biến đá thành bánh để ăn. Và Chúa Giêsu cũng đã dùng chính việc cầu nguyện để vượt qua những thử thách đó của ma quỷ. Ngài trả lời với ma quỷ: “Con người sống không nguyên bởi bánh nhưng bởi lời Thiên Chúa.” (xem Luca 4:3-4)

Mặt khác, cầu nguyện sẽ giúp chúng ta hiểu sâu hơn ý nghĩa của việc ăn chay. Cầu nguyện ở đây không chỉ có đọc kinh, hay tham dự các nghi thức phụng vụ, mà là nhờ ơn Chúa soi sáng, chúng ta suy niệm về ý nghĩa cuộc đời của mình. Trong đời sống của chúng ta, luôn được đón nhận nhiều ân huệ của Thiên Chúa. Thiên Chúa, vì yêu thương chúng ta mà đã ban cho chúng ta có đầy đủ sức khỏe, tài năng và kiến thức, và nhiều điều tốt đẹp khác nữa để chúng ta sống và làm việc. Chúa yêu chúng ta nhiều như vậy thì trong cầu nguyện, chúng ta cũng hiểu được cần biết cảm ơn Ngài và yêu thương mọi người, vì họ là anh chị em của chúng ta. Chính nhờ giờ suy gẫm và cầu nguyện mà chúng ta cũng thấy được xung quanh chúng ta có biết bao anh chị em đang gặp bao đau khổ, đói khát và bệnh tật, cần sự quan tâm và giúp đỡ của chúng ta.

Đó là mấu chốt mà các bạn học sinh trường FuJen đã hiểu và có động lực để vượt qua thử thách của chương trình “12 Giờ Nhịn Đói”. Các nhà tổ chức đã dùng những câu chuyện trong Kinh Thánh để giải thích cho học sinh về việc nhịn đó của họ. Điều này cũng giúp các học sinh phản tỉnh về cuộc sống của từng người, họ hiểu biết được ý nghĩa cuộc đời của mình. Họ biết mình là những người may mắn, được cha mẹ nuôi nấng dạy dỗ, được thầy cô hướng dẫn và bạn bè yêu thương đồng hành. Còn trong xã hội này có quá nhiều bạn trẻ kém may mắn, không có đủ cơm ăn áo mặc, không có điều điện để đến trường, các bạn cần phải làm chút gì đó để giúp đỡ người khác. Bởi thể họ có động lực để vượt qua những thách thức về vật chất, và việc nhịn đói 12 tiếng đã trở nên dễ dàng hơn đối với họ. Họ mong chương trình này sẽ mang được nhiều niềm vui đến cho những ngưới mà họ muốn giúp đỡ. Như vậy, mục đích của việc ăn chay và hoa quả của sự cầu nguyện làm phước bố thí.

Bố thí

Vâng, nếu chúng ta chỉ ăn chay vì để giữ luật thì việc ăn chay của chúng ta sẽ trở nên rất nhạt nhẽo và vô nghĩa, việc ăn chay của chúng ta sẽ trở nên rất khó khăn và thậm chí có lúc không giữ trọn luật chay tịnh. Tuy nhiên đối với các học sinh của trường FuJen, việc nhịn đói 12 giờ đồng hồ là một việc làm có tính nhân văn. Họ nhịn đói trong suốt ngày hôm đó là để giành tiền ăn đóng góp vào quỹ khuyến học cho các em học sinh châu Phi. Các em biết rằng số tiền 200 đài tệ, khoảng 160,000 đồng tiền Việt Nam tuy rất nhỏ nhưng có thể họ sẽ giúp chung với nhiều người để có một số tiền lớn giúp Ban tổ chức hoàn thành một sứ vụ rất có ý nghĩa.

Vâng, Mùa Chay được bắt đầu bằng thứ Tư Lễ Tro và kéo dài cho đến Tuần Tam Nhật Phục Sinh. Chúng ta đã vượt qua được một ngày chay tịnh, chúng ta cũng đã cầu nguyện rất nhiều trong thánh lễ và các giờ kinh nguyện khác, nhưng đừng quên kết hợp với sự bố thí, giúp đỡ người nghèo. Bao giờ chúng ta sẵn sàng bố thí bây giờ việc cầu nguyện của chúng ta mới có ý nghĩa, bao giờ việc cầu nguyện của chúng có ý nghĩa thì việc ăn chay của chúng ta mới trở nên dễ dàng.

Mùa Chay chỉ có 40 ngày và nó sẽ qua đi rất nhanh, nhưng thời gian để ăn chay, lý do để cầu nguyện và cơ hội để làm việc bố thí của chúng ta lúc nào cũng có. Đây là những bí quyết quan trọng để giúp ta sống tinh thần Mùa Chay có ý nghĩa hơn. Hãy tiếp tục nhắc nhớ nhau, động viên nhau và giúp nhau giữ trọn những việc lành trong Mùa Chay thánh này, là ăn chay, cầu nguyện và thực thi công việc bác ái.

Lm. Phạm Trọng Quang, SVD
Washington DC, Mùa chay 2019



Bài đăng trên Vietcatholic

Không có nhận xét nào:

Sứ Vụ Truyền Giáo: Lời Cam Kết Của Thành Viên Phong Trào Cursillo

  Sứ Vụ Truyền Giáo: Lời Cam Kết Của Thành Viên Phong Trào Cu rsillo   1.       Dẫn nhập Buổi chiều ngày cuối cùng khóa “khóa ba ngà...