21.2.21

HIỂU THÊM Ý NGHĨA CỦA VIỆC BÁC ÁI

 

HIỂU THÊM Ý NGHĨA CỦA VIỆC BÁC ÁI

Chúng ta đã bước vào Mùa Chay được ít ngày, Giáo Hội kêu gọi chúng ta dùng thời gian này để thực hiện các việc Giữ Chay, Cầu Nguyện và Bố Thí, thường gọi là Làm Việc Bác Ái.

Trong Sứ Điệp Mùa Chay năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô viết rằng, “con đường khó nghèo và từ bỏ chính mình qua việc giữ chay, quan tâm và yêu thương chăm sóc người nghèo qua việc làm bác ái, và trò chuyện như trẻ thơ với Chúa Cha qua việc cầu nguyện giúp chúng ta có thể sống đức tin chân thành, đức cậy sống động và đức ái hiệu quả.” (Bản dịch của Vietcatholic)

Chúng ta có thể dành nhiều thời gian để chỉa về ý nghĩa của ba việc làm này. Tuy nhiên trong khuôn khổ của bài viết, tôi muốn chia sẻ thêm chút ít về ý nghĩa của việc bố thí.

Trước hết việc bố thí hay việc làm bác ái là thể hiện tình yêu và sự quan tâm của chúng ta đối với người khác. Nói theo lời của Thánh Thomas Aquinas, bác ái đó là “ước muốn hoặc làm điều gì tốt đẹp và mang lại hạnh phúc cho người khác” (Tổng Luận Thần Học, II.II.26.2). Vậy việc làm tốt đẹp đây là gì? Hay nói cách khác, chúng ta nên bố thí điều gì để mang lại lợi ích và hạnh phúc cho người khác?

Thứ nhất, đó là bố thí vật chất. Thực thi việc bác ái cho người nghèo (almsgiving) là một việc làm rất thông dụng của chúng ta từ trước đến nay. Nhất là trong dịp Mùa Chay, Giáo Hội kêu gọi chúng ta ăn chay kiêng thịt, giảm bớt chi tiêu để dành tiền giúp cho người nghèo và những ai già nua bệnh tật. Tuy nhiên, đây chỉ là việc bố thí sơ đẳng nhất, ngoài ra chúng ta còn cách bố thí có giá trị cao đẹp hơn và mang ý nghĩa sâu xa hơn nữa.

Thứ hai, là bố thí tinh thần. Việc bố thí này được hiểu như là sự quan tâm, cảm thông, chăm sóc người khác hay dành thời gian quý báu của chúng ta cho họ. Ví dụ, trong Mùa Chay này chúng ta giảm bớt thời gian giải trí, cắt giảm thời gian xem tivi, dùng vi tính hay dùng điện thoại, để thăm viếng nhau, gọi điện quan tâm những anh chị em cao niên, bệnh tật và nhiều trường hợp neo đơn khác.

Cuối cùng, có một món quà mà chúng ta đang có và có thể bố thí cho người khác, đó là món quà đức tin. Đây là việc bác ái quan trọng nhất và có giá trị cao thượng nhất, là khi chúng ta sẵn sàng chia sẻ đức tin Công Giáo ta cho anh chị em khác. Nếu tôi nói chia sẻ món quà đức tin có nghĩa là tôi muốn nhấn mạnh đến tính cần thiết và cấp bách của công việc truyền giáo, sứ vụ mà chúng ta lãnh nhận từ Thiên Chúa: “hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, luôn báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.” Mt, 16, 15).

Đối với các tín hữu, việc loan báo Ting Mừng hay hay sứ vụ truyền giáo nói lên căn tính của chúng ta và của Giáo Hội. Công Đồng Vatican II khẳng định cho ta điề này: “Tự bản tính, Giáo Hội lữ hành là truyền giáo, vì chính Giáo Hội bắt nguồn từ sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần theo ý định của Thiên Chúa Cha” (AG 2).

Mùa Chay về, Giáo hội một lần nữa kêu gọi chúng ta gia tăng việc cầu nguyện, giữ chay và thực thi việc bác ái. Đâu đâu chúng ta đều nhìn thấy người nghèo, số người nghèo không bao giờ giảm bớt, thậm chí còn gia tăng. Nghèo ở đây không chỉ nghèo về vật chất nhưng còn nghèo về tinh thần, nghèo tình thương và nghèo về niềm tin tôn giáo.

Vậy, xin Thiên Chúa chúc lành cho mọi người chúng ta, giúp chúng ta sống một Mùa Chay sốt sắng, quảng đại và nhiệt thành, để chúng ta tiếp tục thực thi công việc bác ái, bố thí những điều cần thiết và tốt đẹp cho anh chị em mình.

Linh mục Antôn Phạm Trọng Quang, SVD


12.2.21

Để Lộc Thánh Thiên Chúa Được Sinh Hoa Kết Trái


Suy niệm ngày Tin Mừng Mồng Ba Tết-Thánh hóa công ăn việc làm

(Mt, 25, 14-30)

 

Đài Loan có khoảng gần 70% dân số theo đạo Phật và đạo Giáo nên cứ mỗi dịp Xuân về các chùa chiền, đình, miếu ở đây đều tấp nập người về đi lễ. Với tâm niệm của người có niềm tin, những ngày đầu Xuân là dịp đặc biệt để họ đến chùa, đình hoặc miếu để cúng vái, với mục đích tạ ơn các vị thần linh và đức Phật đã ban phước cho họ trong một năm qua hoặc để giải các “hạn”, còn gọi để xóa đi những điều không may. Ngoài ra, khi lên chùa, họ cũng muốn hái lộc, và cầu xin sự bình an và những điều may cho năm mới.

Có nhiều thứ lộc họ hái để mang về nhà, đó là các câu đối, các câu Phật pháp hay các lời dạy trong kinh điển của các vị thần linh. Cũng có người thích nhận được hoa, trái cây và nhiều vật quý báu khác. Đặc biệt nhiều ngôi chùa còn phát những đồng tiền nhỏ để dân chúng nhận về làm “vốn” cho công việc kinh doanh trong năm.

Quả vậy, điều rất thú vị khi đến chùa, miếu hay đình trong dịp đầu năm của người Đài Loan cũng không chỉ để hái lộc, họ cũng rất độ lượng “làm công quả”, dâng cúng tiền bạc cho nhà chùa để tỏ lòng biết ơn đức Phật và các vị thần linh đã phù hộ cho công việc làm ăn của họ trong năm qua, đồng thời giúp phát triển tôn giáo cũng như các công tác xã hội của họ.

Có nhiều điểm tương đồng khi so sánh truyền thống đi lễ chùa miếu của người Đài Loan với truyền thống mừng Xuân của người Công Giáo Việt Nam. Giáo Hội chúng ta cũng rất coi trọng truyền thống văn hóa và các nghi thức phụng vụ trong những ngày Tết.

Những ngày đầu Xuân, trong các nhà thờ Công giáo Việt Nam, đâu đâu cũng tràn ngập người về dự lễ. Đặc biệt, ba ngày Tết được coi như là những giây phút thiêng liêng chúng ta dùng để tạ ơn Thiên Chúa, cầu cho các bậc tổ tiên và xin Chúa thánh hóa công ăn việc làm.

Thật tài tình, các thần học gia và chuyên gia phụng vụ đã chọn các bài đọc dùng trong “ngày thánh hóa công ăn việc làm” rất có ý nghĩa linh thánh và đầy tính văn hóa. Các bài đọc này đặc biệt nói lên tình yêu Thiên Chúa dành cho loài người và cũng như sứ vụ của con người được cộng tác với Ngài trong việc xây dựng thế giới này ngày càng tốt đẹp hơn.

Thiên Chúa trao ban cho con người công việc làm ăn

Bài đọc một của thánh lễ hôm nay, Sách Sáng Thể thuật lại, sau khi Thiên Chúa hoàn thành công việc sáng tạo muôn loài trời đất, Ngài “đem con người đặt vào vườn E-đen, để cày cấy và canh giữ đất đai” (St. 2, 15). Như thế, từ thuở ban đầu Thiên Chúa đã trao ban cho con người hết mọi loài thọ tạo và giao cho trách nhiệm trông coi và canh tân thế giới này. Mặc dầu các công trình sáng tạo của Thiên Chúa đã rất hoàn hảo, nhưng Ngài muốn con người không được yên nghỉ mà luôn phải công tác.

Công việc làm ăn hằng ngày của con người không chỉ mang lại những lợi ích hằng ngày cho nhu cầu của con người mà còn mang một ý nghĩa thiêng liêng rất cao cả, vì công việc này được Thiên Chúa chúc lành và trao phó vào tay con người. Tất cả mọi công việc làm ăn, vì thế rất cần thiết, chính đáng và được tôn trọng.

Nói cách khác, hoàn thành công việc hàng ngày là một sứ vụ cấp bách, cho nên không ai được sống vô kỷ luật, biếng nhác, hay tìm cách trốn tránh chẳng muốn làm việc gì. Thánh Phao-lô thậm chí rất nghiêm khắc khi ngài dạy rằng: “Nhân danh Chúa Giê-su Ki-tô, tôi truyền dạy và khuyên nhủ anh em hãy ở yên mà làm việc, để có của nuôi thân. Hãy làm việc thiện, đừng sờn lòng nản chí” (2 Tx 3, 12-13).

Thiên Chúa ban ơn để con người hoàn thành công việc

Khi trao ban công việc cho con người, Thiên Chúa không để mặc cho con người tự mình hoàn thành nhưng Ngài ban cho con người đủ ơn lành, khả năng và địa vị tùy theo tính cách và hoàn cảnh của từng người để hoàn thành công việc được giao.

Sách Tin Mừng thánh Mathêu thuật lại câu chuyện, “có người kia sắp đi xa, liền gọi đầy tớ đến mà giao phó của cải mình cho họ. Ông cho người này năm yến, người kia hai yến, người khác nữa một yến, tuỳ khả năng riêng mỗi người” (Mt 25, 14-15).

Quả vậy, Thiên Chúa đặt chúng ta vào nhiều môi trường làm khác nhau, có người làm việc trong ruộng vườn, có người làm việc trong nhà máy hay văn phòng, lại có người làm việc trên giảng đường, bệnh viện hay trong nhà thờ... Ngài không để chúng ta vất vả khó nhọc một mình mà luôn ban đủ sức mạnh cần thiết để chúng ta hoàn thành công việc của mình. Thiên Chúa thấu hiểu những vất vả và khó nhọc của chúng ta. Những giọt mồ hôi và nước mắt của chúng ta đều được Ngài nhìn nhận và thánh hóa chúng thành những của lễ tiến dâng đẹp lòng Ngài.

Điều Thiên Chúa muốn nơi mỗi người chúng ta là siêng năng làm việc, phát huy hết khả năng của mình, để công việc đó mang lợi ích cho gia đình, cho xã hội và Giáo Hội. Việc chúng ta cầu xin Thiên Chúa chúc lành và thánh hóa công việc làm là để chúng ta củng cố niềm tin và luôn biết dựa vào sức mạnh của Ngài để hoàn thành công việc mà không bao giờ bị vương vấn bởi những vất vả và thử thách của nó.

Lời kết

Những người tin vào đức Phật và các vị thần linh ở Đài Loan đến miếu hoặc đình chùa vào những ngày Xuân để xin lộc và dùng “tài lộc” đó để làm ăn kinh doanh, sau một năm họ trở lại để tạ ơn các vị thần của họ. Còn chúng ta, ước gì những ngày đầu năm, khi đi tham dự thánh lễ, khi cầu xin Chúa thánh hóa công ăn việc làm, ta cũng luôn biết tạ ơn và tin tưởng vào sự quan phòng và trợ giúp của Thiên Chúa. Xin cho mọi người chúng ta biết dùng “vốn lộc” Ngài ban để sinh hoa kết trái như “người lãnh năm yến lấy số tiền ấy đi làm ăn buôn bán, và gây lời được năm yến khác; người đã lãnh hai yến gây lời được hai yến khác” (Mt 25, 16-17).

Ca dao tục ngữ Việt Nam có câu: “Trời nào có phụ ai đâu! Hay làm thì giàu, có chí thì nên.” Vì thế, chỉ cần chúng ta chuyên chăm cần cù làm việc, Thiên Chúa sẽ chúc lành và thánh hóa để công việc chúng ta được thành công. Tin tưởng rằng chúng ta có đủ hào khí bắt đầu một năm làm việc mới, và năm sau chúng ta cũng tràn đầy hy vọng đến trước mặt Chúa dâng lên Ngài thành quả công việc của năm, và Ngài sẽ nói với chúng ta: “Khá lắm! Hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Hãy và mà hưởng niềm vui mà ta đã dành cho ngươi” (Mt 25, 23).

Kính chúc quý vị năm mới tràn đầy ơn Chúa, VẠN SỰ AN KHANG!

 

Linh mục Antôn Phạm Trọng Quang, SVD

 

Sứ Vụ Truyền Giáo: Lời Cam Kết Của Thành Viên Phong Trào Cursillo

  Sứ Vụ Truyền Giáo: Lời Cam Kết Của Thành Viên Phong Trào Cu rsillo   1.       Dẫn nhập Buổi chiều ngày cuối cùng khóa “khóa ba ngà...