HIỂU THÊM Ý NGHĨA CỦA VIỆC BÁC ÁI
Chúng ta đã bước vào Mùa Chay được ít ngày, Giáo Hội kêu
gọi chúng ta dùng thời gian này để thực hiện các việc Giữ Chay, Cầu Nguyện và Bố
Thí, thường gọi là Làm Việc Bác Ái.
Trong Sứ Điệp Mùa Chay năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô viết
rằng, “con
đường khó nghèo và từ bỏ chính mình qua việc giữ chay, quan tâm và yêu thương chăm sóc người
nghèo qua việc làm bác ái,
và trò chuyện như trẻ thơ với Chúa Cha qua việc cầu nguyện giúp chúng ta có thể sống
đức tin chân thành, đức cậy sống động và đức ái hiệu quả.” (Bản dịch của Vietcatholic)
Chúng ta có thể dành nhiều thời gian để chỉa về ý nghĩa của
ba việc làm này. Tuy nhiên trong khuôn khổ của bài viết, tôi muốn chia sẻ thêm chút
ít về ý nghĩa của việc bố thí.
Trước hết việc bố thí hay việc làm bác ái là thể hiện
tình yêu và sự quan tâm của chúng ta đối với người khác. Nói theo lời của Thánh
Thomas Aquinas, bác ái đó là “ước muốn hoặc làm điều gì tốt đẹp và mang lại hạnh
phúc cho người khác” (Tổng Luận Thần Học, II.II.26.2). Vậy việc làm tốt đẹp đây là gì? Hay nói cách khác, chúng
ta nên bố thí điều gì để mang lại lợi ích và hạnh phúc cho người khác?
Thứ nhất, đó là bố thí vật chất. Thực thi việc bác ái cho người nghèo (almsgiving) là một
việc làm rất thông dụng của chúng ta từ trước đến nay. Nhất là trong dịp Mùa Chay,
Giáo Hội kêu gọi chúng ta ăn chay kiêng thịt, giảm bớt chi tiêu để dành tiền
giúp cho người nghèo và những ai già nua bệnh tật. Tuy nhiên, đây chỉ là việc bố
thí sơ đẳng nhất, ngoài ra chúng ta còn cách bố thí có giá trị cao đẹp hơn và mang
ý nghĩa sâu xa hơn nữa.
Thứ hai, là bố thí tinh thần. Việc bố thí này được hiểu như là sự quan tâm, cảm thông,
chăm sóc người khác hay dành thời gian quý báu của chúng ta cho họ. Ví dụ,
trong Mùa Chay này chúng ta giảm bớt thời gian giải trí, cắt giảm thời gian xem
tivi, dùng vi tính hay dùng điện thoại, để thăm viếng nhau, gọi điện quan tâm những
anh chị em cao niên, bệnh tật và nhiều trường hợp neo đơn khác.
Cuối cùng, có một món quà mà chúng ta đang có và có thể bố thí cho người khác, đó là món
quà đức tin. Đây là việc bác ái quan trọng nhất và có giá trị cao thượng
nhất, là khi chúng ta sẵn sàng chia sẻ đức tin Công Giáo ta cho anh chị em
khác. Nếu tôi nói chia sẻ món quà đức tin có nghĩa là tôi muốn nhấn mạnh đến tính
cần thiết và cấp bách của công việc truyền giáo, sứ vụ mà chúng ta lãnh nhận từ
Thiên Chúa: “hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, luôn báo Tin Mừng cho mọi loài thọ
tạo.” Mt, 16, 15).
Đối với các tín hữu, việc loan báo Ting Mừng hay hay sứ vụ truyền giáo nói lên
căn tính của chúng ta và của Giáo Hội. Công Đồng Vatican II khẳng định cho ta điề
này: “Tự bản tính, Giáo Hội lữ hành là truyền giáo, vì chính Giáo Hội bắt
nguồn từ sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần theo ý định của Thiên Chúa
Cha” (AG 2).
Mùa Chay về, Giáo hội một lần nữa kêu gọi chúng ta gia
tăng việc cầu nguyện, giữ chay và thực thi việc bác ái. Đâu đâu chúng ta đều
nhìn thấy người nghèo, số người nghèo không bao giờ giảm bớt, thậm chí còn gia
tăng. Nghèo ở đây không chỉ nghèo về vật chất nhưng còn nghèo về tinh thần,
nghèo tình thương và nghèo về niềm tin tôn giáo.
Vậy, xin Thiên Chúa chúc lành cho mọi người chúng ta,
giúp chúng ta sống một Mùa Chay sốt sắng, quảng đại và nhiệt thành, để chúng ta
tiếp tục thực thi công việc bác ái, bố thí những điều cần thiết và tốt đẹp cho
anh chị em mình.
Linh mục Antôn Phạm Trọng Quang, SVD
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét