Truyền Giáo: Lời Cam Kết Của Thành Viên Phong Trào Cursillo
(Bài tham khảo của Giờ thuyết trình (rollo) trong Đại Hội Toàn Quốc Thứ 31 Phong Trào Cursillo Hoa Kỳ, ngày 24/7/2021)
1. Dẫn nhập
Buổi chiều ngày cuối cùng khóa “khóa ba ngày” của phong trào Cursillo, các tham dự viên được phát cho một “thẻ cam kết” để viết
lên những điều mình muốn thực hiện trong môi trường mình sống sau khi khóa học
kết thúc. Nói cách cụ thể, sau khi tham dự khóa học này, các thành viên đã tiếp
thu được nhiều kiến thức cơ bản về thần học, giáo lý và sứ vụ truyền rao Tin Mừng
theo tinh thần của Giáo hội Công giáo, nên họ được mời gọi tiếp tục thực hiện sứ
vụ truyền giáo của mình trong môi trường mình đang sống. Anh chị em chúng ta gọi
việc làm này là “sống tinh thần ngày thứ tư.”
Sau khi các tham dự viên viết những điều mình muốn thực hiện vào phiếu cam kết,
họ giao lại cho Ban tổ chức. Trong thánh lễ kết thúc khóa học, cha chủ tế gọi
tên từng người một lên, họ quỳ trước bàn thờ, chủ tế trao lại giấy cam kết cho họ
cùng với lời căn dặn: “Giê-su tin tưởng con.” Họ thưa: “Tạ ơn Chúa.” Nghi thức
này diễn tả sứ vụ truyền giáo mà các anh chị học viên đã đón nhận. Với sự tin
tưởng của Chúa Ki-tô và lời kêu gọi của Giáo hội, họ bắt đầu “sống ngày thứ
tư,” đó là làm chứng cho Chúa trong mọi hoàn cảnh họ đang sống.
2.
Nguồn gốc và ý nghĩa của lời cam kết
Chúng ta có thể tìm được nhiều câu trả lời cho câu hỏi này trong Kinh Thánh cũng như trong nhiều tài liệu của Giáo hội. Sứ vụ và lời cam kết loan báo Tin mừng của các thành viên trong Giáo hội, nhất là của các
Cursillistas cũng được lý giải rất nhiều trong các tài liệu thần học. Tuy nhiên, trong khuôn khổ của bài viết này tôi chỉ muốn sử dụng các ý tưởng được đề cập trong sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo (GLHTCG) mà thôi. Hy vọng những lời dạy trong sách Giáo lý sẽ giúp chúng ta hiểu sâu hơn về ý nghĩa và trách nhiệm truyền bá Tin Mừng của chúng ta.Trước hết, để khẳng định tính cần thiết và cấp bách của sứ vụ loan báo Tin
Mừng, sách GLHTCG, số 1319 viết rằng: “Người muốn lãnh bí tích Thêm Sức phải là người đã đạt tới tuổi
khôn, phải tuyên xưng đức tin, phải đang trong tình trạng ân sủng, có ý muốn
lãnh nhận bí tích và được chuẩn bị để lãnh nhận vai trò môn đệ và chứng nhân của
Đức Ki-tô, trong cộng đoàn giáo hội cũng như trong các lãnh vực trần thế.”
Vậy, là một Ki-tô hữu Công giáo nói chung và một Cursillista nói riêng, khi
chúng ta có đủ sự khôn ngoan và hiểu biết, chúng ta có đủ điều kiện để lãnh nhận
Bí Tích Thêm Sức, không gì khác ngoài việc để chúng ta làm chứng cho Chúa trong
môi trường chúng ta đang sống, như gia đình, công xưởng, trường học... Chúng ta
có trách nhiệm làm cho các môi trường sống này trở thành những môi trường Ki-tô
giáo, môi trường lấy tinh thần Ki-tô giáo làm trung tâm cho đời sống của chúng
ta, như lời cầu nguyện của Chúa Ki-tô “xin cho nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện
dưới đất cũng như trên trời” (Kinh Lạy Cha).
Như vậy, bằng đời sống lấy tinh thần bác ái của Đức Ki-tô
làm trung tâm, bằng việc theo chân Đức Ki-tô, chúng ta làm cho cuộc sống này
thành môi trường của công bằng, yêu thương và bình an. Hơn nữa, bằng mọi hình thức và khả năng vốn có,
chúng ta luôn biết trung thành đáp lại lời mời gọi của Chúa, chu toàn sứ vụ truyền bá Tin Mừng cách hăng say, phấn khởi và đầy nhiệt
huyết.
3.
Gia đình, môi trường rao giảng Tin mừng
đầu tiên
Chúng ta thường nói “gia đình là tế bào đầu tiên của xã hội.”
Xã hội được hiểu như một cơ thể được cấu thành bởi nhiều tế bào khác nhau. Nếu
muốn có một cơ thể khỏe mạnh và cường tráng cần phải có nhiều tế bào tốt, không
gồm chứa mầm bệnh. Cũng vậy muốn có một xã hội công bằng, văn minh và thịnh vượng,
cũng phải có các gia đình trong đó vợ chồng sống hòa thuận, con cái yêu thương
nhau.
Các gia đình Ki-tô giáo cũng không ngoại lệ, chúng ta cần phải xây dựng một
gia đình lấy Đức Ki-tô làm trung tâm cuộc sống chúng ta. Nếu các gia đình Công
giáo có ý thức xây dựng gia đình mình tốt đẹp như thế, chúng ta sẽ có một Giáo hội
đầy tình yêu thương và lòng bác ái. Vì thế, việc rao giảng Tin Mừng trong gia
đình là một việc làm hết sức cần thiết và cấp bách để có một Giáo hội lý tưởng
như chúng ta mong muốn.
Chúng ta cùng nhau trở lại với sách GLHTCG để tìm hiểu xem Giáo hội giải
thích làm thế nào để có được một Giáo hội lý tưởng như vậy. Vâng, sách GLHTCG số
2208 viết: “Gia đình phải sống thế nào để
các thành viên của gia đình học biết quan tâm và biết đảm nhận việc chăm sóc những
người trẻ và những người già, người đau yếu, người khuyết tật và người nghèo khổ.”
Việc chăm sóc người trẻ không gì khác là việc chăm sóc đời
sống thể lý, tâm lý cũng như nhu cầu nhận biết đức tin của họ. Riêng với sứ vụ
chăm sóc cho những người đau yếu, bệnh tật và những người nghèo khổ cũng là thực
thi tinh thần bác ái đối với họ. Rất dễ nhận ra, khi chúng ta thực thi tất cả những
việc này là chúng ta đang thực hiện tinh thần bác ái của Chúa Giê-su, qua lời mời
gọi trong Sách Tin Mừng của Thánh Matthêu: “cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống,
cho kẻ trần truồng áo mặc...” (Mt 25).
Không gì khác hơn, mục đích của những việc làm này là giúp
các thành viên nhận biết sự hiện diện của Chúa Giê-su trong chính môi trường mà
họ đang sống. Bởi khi được sống trong môi trường đầy tình yêu thương và bác ái
này, họ sẽ nhận ra Chúa là Thiên Chúa duy nhất của gia đình họ. Nhờ vậy, mọi
thành viên trong gia đình bắt
đầu “có lòng đạo đức tinh tuyền
và không tỳ ố trước mặt Thiên Chúa Cha, là thăm viếng cô nhi quả phụ lâm cảnh
gian truân, và giữ mình cho khỏi mọi vết nhơ của thế gian” (Gc 1,27).
Hơn thế nữa, sứ vụ truyền giáo chưa dừng lại ở môi trường
gia đình nhưng Tin Mừng này cần tiếp tục được lan tỏa. Khi các thành viên đã
tin nhận Chúa, khi họ đã nhận biết Chúa là trung tâm đời sống của mình, họ tiếp
tục loan truyền tin vui này cho những người xung quanh. Tin Mừng này, vì thế
còn được các thành viên truyền rao cho mọi thành viên trong xã hội. Nhờ có Tin
Mừng, qua sứ mệnh của các thành viên, toàn gia đình nhân loại được thánh hóa và
được làm con Thiên Chúa.
4.
Sứ vụ Truyền giáo trong xã hội
Căn tính của Giáo hội là truyền giáo, sứ vụ của gia đình
Ki-tô giáo là chia sẻ đức tin của mình cho mọi thành viên trong xã hội. Mọi
thành viên của Giáo hội được sống trong môi trường xã hội này, chúng ta có
tương giao với nhiều thành phần khác nhau. Chúng ta được đồng hành với toàn thể
nhân loại, vì thế cần phải trở nên MEN để dậy bột Tin Mừng trong lòng mọi người,
cần trở nên ÁNH SÁNG để soi sáng trần gian.
Nỗ lực truyền giáo này không chỉ là “một thoáng gió bay” hay chỉ làm một chốc
lát, nhưng đòi hỏi một sự kiên tâm và nỗ lực rất phi thường. Vì con số những
người chưa nhận biết Tin Mừng trong môi trường chúng ta đang sống còn quá lớn.
Cho nên Sách GLHTCG số 854 hướng dẫn:
Công việc truyền giáo bắt đầu
bằng việc rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc và các nhóm người chưa tin vào Đức
Ki-tô; tiếp đến là thiết lập những cộng đoàn Ki-tô hữu, là dấu chỉ sự hiện
diện của Thiên Chúa trên trần gian, và thành lập những Giáo Hội địa
phương; tiến trình hội nhập văn hóa được thúc đẩy, để Tin Mừng nhập thể
vào các nền văn hóa của các dân tộc; tiến trình đó sẽ không thiếu lúc gặp
sự chống đối.
Quả vậy, việc truyền giáo cho
các dân tộc, cho các nền văn hóa khác nhau trở nên hết sức cần thiết. Dĩ nhiên,
như đã nêu trên sứ vụ này không thể thực hiện được một cách vội vã, nhưng cần rất
nhiều thời gian và sức lực. Sứ vụ truyền rao Tin Mừng này đôi khi chỉ bắt đầu bằng sự tiếp xúc gặp gỡ làm quen, sau đó mới thâm nhập dần dần và có hệ thống, ngoài
ra còn phải có sự cộng tác của nhiều đoàn thể và thành phần trong Giáo hội.
Do vậy, để cho sứ vụ rao giảng Tin Mừng được hiệu quả hơn,
một lần nữa Sách GLHTCG hướng dẫn chúng ta: “Việc loan báo Lời Chúa không dừng lại nơi một lời giảng dạy
nào đó: nó đòi hỏi sự đáp lại của đức tin,
xét như một ưng thuận và dấn thân, để có một Giao ước giữa Thiên Chúa với dân
Ngài” (số
1120). Với đức tin vững mạnh vào Thiên Chúa, với phương châm lấy lời Chúa làm động
lực để truyền giáo, hơn nữa với sức mạnh và sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, hoa quả truyền
giáo của các thành viên trong Giáo hội, đặc biệt các thành viên Cursillistas chúng ta chắc chắn sẽ trở nên phong phú và dồi dào hơn.
5.
Nói thêm về Tân Phúc Âm Hóa gia đình.
Trên đây là những khái niệm về sứ vụ truyền giáo của
Ki-tô hữu nói chung và của một Cursillista nói riêng. Nói đến khái niệm Truyền
giáo theo giáo lý của Giáo hội nó chỉ mang tính lý thuyết và giáo huấn. Nhưng
làm sao để chúng ta áp dụng tinh thần này vào môi trường chúng ta đang sống có
hiệu quả?
Phần tiếp theo là kinh nghiệm mục vụ của bản thân tôi về
việc truyền rao Tin Mừng cho đối tượng gần gũi chúng ta nhất, đó là cho các
thành viên trong gia đình. Có hai điều cần lưu ý trong phần này, trước hết, mặc
dầu tôi không sống đời sống gia đình, nhưng qua hơn 10 năm mục vụ trong thiên
chức linh mục, tôi đã trải qua công việc giáo xứ, dạy học, mục vụ giới trẻ...,
nên đã học được những bài học kinh nghiệm rất đáng quý để hôm nay được chia sẻ
cùng mọi người. Ngoài ra, phần này tôi đặc biệt muốn “tiếp chuyện” với những người
có đức tin Công giáo, được rửa tội, được sống trong gia đình có đức tin Ki-tô giáo,
nhưng vì nhiều lý do các thành viên gia đình họ không “thiết tha” với đời sống
đức tin hoặc bỏ không giữ đạo nữa.
Như vậy, trong nhiều tình huống, việc truyền giáo trong
gia đình được hiểu như là “Tân Phúc Âm Hóa Gia Đình,” nghĩa là chúng ta muốn nỗ
lực để cho gia đình mình được trở lại sống theo tinh thần Phúc Âm, các thành
viên trở về lấy đức Ki-tô làm trung tâm đời sống của họ.
Việc truyền giáo trong gia đình hay tân phúc âm gia đình được
phân thành nhiều giai đoạn khác nhau, mỗi giai đoạn có những cách thức giới thiệu
Tin mừng riêng, với nhiều phương thức khác nhau, nhưng nội dung Tin Mừng đó vẫn
không đổi, vẫn là câu chuyện về Đức Ki-tô, vẫn là niềm tin vào đạo thánh Thiên
Chúa.
a. Chia sẻ đức tin bắt
đầu việc giới thiệu Chúa cho người yêu.
Trong quá khứ, khi các bạn trẻ yêu nhau, họ thường tìm bạn
cùng đạo hoặc đã biết nhau từ trước, vì cả hai đều trưởng thành trong một giáo
xứ hay trong khu xóm. Tuy nhiên, ngày nay, cấu trúc xã hội thay đổi, khi tương
giao của con người rộng rãi hơn, các bạn trẻ có nhiều cơ hội tìm quen những người
khác tôn giáo, thậm chí khác sắc tộc và màu da.
Hiện tượng này ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, đối với các
bậc cha mẹ và những ông bà lớn tuổi, đây là sự chọn lựa không tốt chút nào, cho
nên họ bắt cấm đoán hoặc ngăn cản không muốn con cháu mình đến với những người
không cùng tôn giáo. Tuy nhiên, kinh nghiệm cho thấy, những cấm đoán này thường
không có hiệu quả, thậm chí thường đi đến bất thành, hay còn gây ra nhiều căng
thẳng trong gia đình.
Với suy nghĩ cá nhân, tôi cho rằng, khi chúng ta quen được
một người không cùng tôn giáo, chính là một cơ hội truyền giáo rất tốt. Nhưng
trước hết, chúng ta cần ý thức rõ, nếu ta đang quen người bạn là người ngoại
giáo hoặc không cùng tôn giáo với mình, thì ta phải có trách nhiệm chia sẻ câu
chuyện về Chúa Giê-su cho họ. Nếu họ thực sự yêu thương và muốn sống với chúng
ta đến trọn đời thì ngay đến tôn giáo của ta họ cũng sẽ chấp nhận. Trong trường
hợp, nếu các bạn trẻ không ý thức được điều đó, chúng ta là bố mẹ hoặc ông bà,
cũng có trách nhiệm giúp cho họ nhận biết đức tin ngay từ lúc ngày. Dĩ nhiên việc
này không dễ dàng, nhưng nếu chúng ta ý thức rõ và tìm cách thực hiện thì sẽ chắc
chắn sẽ hiệu quả.
Tôi có quen một gia đình, cả hai đều là thành viên của phong trào Cursillo, hai vợ
chồng rất sốt sắng và đạo đức, sinh được ba người con. Ngay từ nhỏ các
cháu đều được hướng dẫn đến nhà thờ tham dự thánh lễ và còn tham gia giúp lễ và
các chương trình sinh hoạt giới trẻ trong giáo xứ. Nhờ vậy, các cháu rất ngoan
ngoãn, chăm chỉ học tập và khi lớn lên họ rất thành công trong công việc. Tuy nhiên,
chỉ có người con cưới vợ người Công giáo, vì họ biết nhau khi sinh hoạt giới trẻ
của giáo xứ. Còn hai đứa con khác, một đứa quen một cô gái người Nam Mỹ không
có đạo, còn một cô con gái quen người bạn trai được rửa tội theo đạo Tin Lành
nhưng anh này lâu nay không đến nhà thờ.
Hai vợ chồng giáo dân nói trên ban đều rất buồn bã. Họ
tâm sự với tôi về câu chuyện gia đình của họ và xin lời cầu nguyện. Tôi khuyên
họ nên tìm cách nói với các con về cảm xúc và nỗi buồn của họ. Tôi cũng nhắc họ
nên nói một cách chân thật, tránh sự tức giận, với mục đích chia sẻ cảm xúc và
suy nghĩ chân thật của mình. Ngoài ra cũng cố gắng giải thích cho các con biết về
sự ích lợi của những cuộc hôn nhân cùng đạo và thách đố của hôn nhân khác niềm
tin. Sau khi nói ra hết suy nghĩ của mình, họ cũng cần kiên nhẫn lắng nghi suy
nghĩ của các con.
Tôi rất khâm phục gia đình này, vì ban đầu các con của họ
không quan tâm nhiều đến điều này, nhưng hai vợ chồng này không bỏ cuộc. Họ tiếp
tục giữ các giờ kinh hàng
ngày của gia đình, nhất là trong mùa Covid họ mời con các con của họ và mời
luôn các những người bạn của các con vào dự các giờ kinh và chia sẻ Kinh Thánh.
Sau hơn một năm, các con của họ sẵn sàng đi lễ, cầu nguyện và đồng hành với người
yêu của họ học giáo lý tân tòng. Được biệt các con của họ đã sẵn sàng làm phép
cưới theo nghi thức Ki-tô giáo.
Chúng ta chúc mừng gia đình này và tiếp tục cầu nguyện việc
tân Phúc Âm trong gia đình của họ. Vơi nhiều gia đình Cursillitas, có thể công việc tân
Phúc Âm hóa trong gia đình chúng ta không có kết quả nhanh như thế, tuy nhiên
chúng ta cần ý thức rõ, giúp đỡ con cháu của mình hiểu biết vai trò của đức tin
Ki-tô giáo là một việc truyền giáo đầu tiên trong gia đình chúng ta. Trong khả
năng có thể chúng ta cứ tiếp tục cố gắng, bao giờ có hiệu quả, chúng ta cũng cần
đến hoa quả của Chúa Thánh Thần.
b. Truyền giáo khi con
còn trong lòng mẹ.
Ngày nay các vợ chồng trẻ trong quá trình người mẹ mang
thai ưa thích chụp hình người mẹ với cái bụng bầu to tướng. Điều này cho thấy
các cặp vợ chồng có cái nhìn rất thoáng và lạc quan về việc mình đang mang
thai, và họ tỏ ra rất phấn khích khi đứa con trong dạ mẹ đang lớn lên từ từ. Hơn
nữa, các vợ chồng trẻ ngày nay cũng có thói quen nói chuyện với con mình lúc
chúng còn trong bụng mẹ.
Trò chuyện với con trong bụng, vì thế đã trở nên rất bình
thường đối với các cặp vợ chồng trẻ. Các nhà khoa học chứng minh thai nhi vào kỳ
tuần thứ 17 hoặc 18 đã nghe được nhịp đập trái tim từ người mẹ hoặc âm thanh
máu chảy qua dây rốn, nên các bác sĩ khuyên những người làm bố làm mẹ có thể
nói chuyện với con. Cũng theo các chuyên gia, đến khoảng tuần thai thứ 25 thai
nhi sẽ nghe rõ được tiếng của người mẹ, của bố và những người xung quanh. Vì thế
các nhà nghiên cứu khuyên bố mẹ nên nói chuyện với thai nhi, ngoài ra còn nên kể
chuyện, cho nghe nhạc để kích thích trí não của trẻ được phát triển khỏe mạnh
hơn.
Tôi có nói chuyện với nhiều người mẹ đang mang thai về chủ
đề này, họ đều chia sẻ, khi họ nói chuyện với các thai nhi khi chúng còn trong
bụng mẹ, chúng có những phản ứng rất rõ ràng. Tôi nhớ lại, Kinh Thánh kể lại,
khi bà Elisabeth được Đức Maria đến thăm, bà nói rằng, khi Đức Ma-ri-a cất lời chào bà thì “đứa
con trong bụng nhảy lên vui sướng” (Lc, 1, 44).
Qua những kiến thức trên đây chúng ta cũng có thể khẳng định,
bố mẹ nên bắt đầu kể chuyện về Chúa Giêsu hoặc đọc Kinh Thánh cho con nghe khi
con mình còn trong lòng mẹ. Điều này cũng nói lên vai trò giáo dục đức tin của cha
mẹ đối với các con có thể bắt đầu từ lúc này. Bản thân tôi, tôi rất tin chắc
các thai nhi có thể nghe được tiếng của chúng ta nên trong sứ vụ linh mục của
mình, tôi thường chúc lành cho các thai phụ và cho cả những đứa con trong lòng
của họ. Tôi mong họ luôn lớn lên trong sự bao bọc và che chở của Chúa.
c.
Tiếp tục đồng hành và giáo dục đức tin khi
bé đã được sinh ra đời
Người Công giáo chúng ta luôn ý thức tầm quan trọng của
việc đồng hành và giáo dục đức tin cho con cái chúng ta. Trong truyền thống của
Giáo hội, khi bé được sinh ra ít ngày chúng ta đưa bé tới nhà thờ hoặc mời cha
tới gia đình để rửa tội cho bé. Sau đó là quảng đường dài chúng ta đưa bé đến
nhà thờ tham dự các thánh lễ, học giáo lý và tham gia các sinh hoạt tôn giáo
khác để giúp các con thăng tiến về đời sống đức tin.
Tuy nhiên, trong những thập kỷ gần đây, khi những tư tưởng
này lên ngôi, nhiều người cho rằng đức tin là món quà quý giá của Thiên Chúa,
nhưng tự do cá nhân cũng cần được tôn trọng. Họ cho rằng phải chờ bé đến tuổi
thành để bé tự quyết định chọn hay không chọn theo niềm tin tôn giáo của ông bà
cha mẹ. Điều này khi mới nghe cảm thấy rất có lý, nhưng mặt trái và hậu quả là
giới trẻ thường chọn đời sống phóng túng, thiếu chuẩn mực đạo đức, nên không
màng chi đến đời sống đức tin và các sinh hoạt tôn giáo.
Như vậy, giới thiệu và lựa chọn đức tin và rửa tội cho bé
ngay từ mới sinh luôn là một suy nghĩ đúng đắn nhất mà chúng ta cần khẳng định.
Vì chúng ta biết con cái chúng ta cần gì, chúng ta biết đức tin là một yếu tố tối
cần thiết cho một con người, cho nên ta cứ tự tin mà giới thiệu cho con mình,
giúp chúng đón nhận đức tin đó ngay từ ban đầu. Có một cách nói tôi rất thích
mà tôi muốn nhắc lại trong bài này, khi chúng ta biết thức ăn, áo mặc, chăm sóc
y tế, giáo dục... là những nhu cầu tối cần thiết cho sự sinh tồn của các con,
ngay từ nhỏ mình phải cung cấp cho con chứ không ai chờ tới con cái của mình
trưởng thành mới hỏi chúng, “con có muốn ăn cơm không?” “con có cần đi học
không?” “con có muốn đi bệnh viện không?” Lúc đó thật quá muộn, chờ tới lúc đó chắc
con mình đã chết rồi.
Tóm lại, nếu chúng ta xác tín rằng, tôn giáo là một nhu cầu
hết sức cần thiết của con người thì chúng ta phải giới thiệu và cho con mình
lãnh nhận đức tin ngay từ lúc còn nhỏ. Dĩ
nhiên, con cái chúng ta luôn nhìn vào cuộc sống chúng ta, chúng luôn bắt chước
những gì chúng ta làm. Vì thế cần tạo gương sáng cho con, lời nói đi đôi việc làm.
Nếu chúng ta rửa tội cho con mình, nếu chúng ta đưa các con mình tới nhà thờ
tham dự thánh lễ thì chính chúng ta cũng phải giữ đạo cho sốt sắng để chúng
cùng học theo. Ngoài ra, khi chúng ta là người Công giáo thì chúng ta cũng phải
trở thành người bố người mẹ tốt để tạo niềm tin và sự tự hào cho các con. Còn nếu
chúng ta nói một đường làm một nẻo thì con cái sẽ không kính phục chúng ta, thậm
chí còn khinh thường chúng ta. Chẳng hạn khi chúng ta đến với nhà thờ dự thánh
lễ, chúng ta nói nhiều về Chúa, nhưng chúng ta đối xử bất công với người khác,
chúng ta không rộng lượng với những người cần đến sự giúp đỡ của chúng ta, thì
con cái không muốn tin vào đạo của chúng ta nữa. Đức tin Công giáo lúc này chẳng
còn quan trọng đối với chúng, việc xa nhà thờ, lơ là cầu nguyện là lẽ dĩ nhiên
của các con.
d. Làm sao khi con mình
thờ ơ với đức tin?
Một hiện tượng ngày càng phổ biến trong nhiều gia đình Công giáo hiện nay, đó
là ngay từ nhỏ chúng ta đã cho các con mình được rửa tội, chúng ta đã đưa chúng
đến nhà thờ để tham dự thánh lễ và các sinh hoạt khác, tuy nhiên dần dần các bạn
trẻ bắt đầu không thích các sinh hoạt của nhà thờ, không muốn tham dự thánh lễ,
thậm chí còn bỏ đạo. Các bậc cha mẹ và ông bà rất buồn và thất vọng về những đứa
con như thế này. Họ dùng bằng mọi cách để thuyết phục các con nhưng cuối cùng phải
lắc đầu, thở dài vì thất vọng.
Tôi đã bàn luận với rất nhiều phụ huynh về hiện tượng
này, nên tôi rất thông cảm với họ. Thật là buồn khi phải chứng kiến con mình nhạt
nhẽo với đức tin mà mình đã gầy dựng xưa nay. Tôi cũng tìm hiểu rất nhiều và
nói chuyện với các bạn trẻ, được biết, ngày nay các bạn trẻ tiếp xúc rất nhiều với
nhiều thành phần xã hội, tiếp nhận quá nhiều thông tin. Xã hội thay đổi quá
nhanh, trong khi những gì xảy ra trong nhà thờ chỉ là những sinh hoạt lặp đi lặp
lại. Giới trẻ ngày nay phải đối diện nhiều áp lực về việc chạy đua với thông
tin, cạnh tranh trong việc, giao tiếp rộng rãi... Họ phải phải học nhiều hơn, nỗ
lực rất nhiều mới bắt kịp với những thay đổi đó, cho nên không còn một tâm hồn
yên tĩnh để làm việc thờ phượng.
Ngoài những yếu tố xã hội nói trên, ngày nay giới trẻ
đang sống trong một xã hội hoàn toàn dựa vào vật chất và tư tưởng thực dụng. Đối
với giới trẻ, những gì họ học được trong nhà thờ đa phần không áp dụng vào đời
sống hiện tại của học được. Họ bắt đầu có nhiều nghi vấn đề đức tin nhưng không
biết hỏi ai, thậm chí khi họ nêu vấn đề thường bị người lớn hoặc chính cha mẹ
và ông bà từ chối, thậm chí còn bị cho rằng họ có tư duy lệch lạc.
Như vậy, khi đối diện với tình huống này, thiết nghĩ cha
mẹ cần dành nhiều thời gian hơn cho các con của mình. Chúng ta cần tập lắng
nghe lời chia sẻ của con, điều gì chúng ta biết thì chúng ta nói để giúp các
con hiểu thêm, còn điều gì chúng ta không biết thì thành thật nói rằng chúng ta
không biết, để rồi cùng với các con của mình tìm câu trả lời. Tôi tin rằng nếu
có sự đồng hành của chúng ta con cái sẽ có đủ sự tự tin để đi khám phá nhiều
chân lý nhằm kiện toàn đức tin chính gia đình chúng ta.
e.
Củng cố đức tin của bạn đời
Các gia đình Công giáo ngày nay gặp khó khăn về mọi lĩnh
vực. Chúng ta không chỉ gặp khó khăn và thách đố về việc giáo dục và hướng dẫn
con cái mình giữ đạo, nhưng chúng ta còn gặp nhiều thách đố nghiêm trọng khác,
như công việc không ổn định, sức khỏe giảm sút, vợ chồng bất hòa, xích mích với
anh chị em họ hàng và bạn bè. Chính những lý do đó, nhiều gia đình đang sống
trong tình huống “chiến tranh lạnh” hoặc có nguy cơ đổ vỡ gia đình. Vì những lý
do đó khiến việc đạo đức của chúng ta cũng giảm sút. Kinh nghiệm cho thấy nhiều
gia đình vì đối diện với những vấn đề trên mà trách móc Chúa, bất mãn với Giáo hội,
dần dần thấy vai trò đức tin không giúp được gì nên lãnh nhạt với các giờ kinh
nguyện, thậm chí còn lìa xa Chúa.
Trong giai đoạn này các
gia đình nên hiểu rằng trong đời sống ngày hôm nay gia đình nào cũng phải đối
diện với nhiều khó khăn và thử thách. Tôi xin nhấn mạnh, không chỉ có gia đình
chúng ta mà hết mọi gia đình ít nhiều đang gặp khó khăn, vì thế, muốn vượt qua
những khó khăn đó, chúng ta cần phải cậy trông vào Chúa nhiều hơn.
Là người chồng hãy học nơi thánh cả Giu-se. Kinh thánh kể
rằng, khi người bạn đời mới đính hôn với mình có thai khi hai người chưa chung
sống với nhau, ông Giu-se muốn âm thầm bỏ đi. Nhờ giữ được sự bình tĩnh, nhờ có
chiều sâu tâm hồn và bền bỉ trong cầu nguyện, ông đã nghe được lời của Chúa qua
lệnh truyền của thiên thần: “Này Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà
Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần”
(Mt, 1, 20).
Dẫu biết những lời thiên thần nói với ông chưa được chứng
minh, tuy nhiên ông Giu-se đã sẵn sàng lắng nghe và chỗi dậy đón Đức Ma-ri-a về.
Trong đời sống vợ chồng, lắm lúc chúng ta cũng gặp phải nhiều chuyện hiểu nhầm,
thậm chí bị phản bội, nhưng nếu những người chồng biết lấy thánh Giu-se làm
gương mẫu cho cuộc sống cho mình, biết bình tĩnh trước mọi vấn đề, thì các tình
huống đó sẽ khả quan hơn, đồng thời tránh được những đổ vỡ của gia đình.
Cũng vậy, trong đồi sống hôn nhân, người vợ cũng gặp
không ít khó khăn và thách đố. Ngày nay những người làm mẹ không chỉ có công việc
nội trợ hay chăm sóc gia đình, nhưng còn phải bận rộn với công việc ngoài xã hội.
Khi phải đảm nhiệm nhiều công việc khiến chúng ta dễ nóng nảy, thiếu tế nhị
trong lời ăn tiếng nói, dễ trách móc người khác..., vì thế, người vợ hãy học
gương của Đức Ma-ri-a, biết bình tâm, dành nhiều sự quan tâm cho các thành viên
trong gia đình mình.
Câu chuyện gia đình Na-gia-rét lên đền thờ dự Lễ Vượt Qua
là một bài học rất quý giá. Khi Đức Giê-su được 12 tuổi, cả gia đình lên Giê-ru-sa-lem
dự lễ, sau khi kết thúc, trên đường trở về Đức Ma-ri-a phát hiện mình đã lạc mất
con, Đức Ma-ri-a đã cùng với thánh Giu-se vội vã trở lại đền thờ để tìm con. Khi
tìm thấy con, Đức Mẹ đã sửng sốt và tỏ vẻ không hài lòng, mới nói: “Con ơi, sao
con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực
lòng tìm con,” (Lc 2, 48). Nhưng sau khi nghe Chúa Giê-su trở lời: “Sao cha mẹ
lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” Đức Ma-ri-a
mặc dầu chưa hiểu lời của Chúa Giê-su nhưng Mẹ đã giữ bình tĩnh , không nói gì thêm
mà chỉ suy gẫm trong lòng.
Vậy, đời sống gia đình ai cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhất
là các thành viên gia đình mất niềm tin vào Chúa và vào Giáo hội. Không chỉ có
con cái của mình mất đức tin mà các bạc cha mẹ cũng không thấy đức tin quan trọng
cho gia đình mình, không lấy Chúa làm trung gian của gia đình mình. Vì thế, các
bậc cha mẹ hãy bình tĩnh, dành nhiều thời gian cho nhau hơn, cùng nhau hâm nóng
lại tình yêu gia đình. Trong quá trình mục vụ, tôi thấy nhiều gia đình kỷ niệm
10 năm, 15 năm, 25 năm hôn phối... Đây là những cơ
hội rất quý hóa giúp họ hâm nóng lại tình yêu như ban đầu và tìm lại được niềm
tin mãnh liệt vào Chúa và vào người bạn đời của mình.
f.
Chuẩn bị hành trình mới
Khi tôi nói chuẩn bị một
“hành trình mới”, tôi muốn ám chỉ việc chuẩn bị cho “hậu sự,” chuẩn bị cho sự
thật sẽ xảy đến cho chúng ta, đó là cái chết. Người Việt chúng ta rất kỵ hoặc
tránh bàn đến cái chết, tuy nhiên chết là một sự thật mà không ai thoát khỏi được.
Đối với người Công giáo, vì chúng ta tin có đời sau, chúng ta tin rằng chết
không phải là hết, nhưng sẽ bắt đầu một sự sống mới. Sau khi chết con người phải
đối diện với sự phán xét. Thiên Chúa sẽ thưởng công cho những ai có ân nghĩa với
Ngài và sẽ trừng phạt những ai không thực thi lời dạy của Chúa.
Đây là điều rất quan trọng trong đức tin của Giáo hội, vì
thế khi về già chúng ta phải chuẩn bị cho mình những giây phút yên tĩnh hội tâm
lại những gì xảy ra trong cuộc đời mình nhằm thấy được muôn vàn hồng ân Chúa
ban cho riêng mình và cho gia đình. Chúng ta tỏ lòng biết ơn Chúa nếu chúng ta
có lỗi phạm đến ai thì chúng ta và nếu có những lỗi lầm thì cầu xin sự tha thứ
của Chúa. Chúng ta không chỉ giúp mình chuẩn bị tâm hồn và còn giúp người bạn đời
chúng ta nữa, để khi đối diện với cái chết cả hai đều được trong sạch và hiên
ngang vào nghênh đón Chúa Ki-tô.
Có nhiều người lớn tuổi khi thấy con cháu thờ ơ với đức tin,
họ đã dùng mọi cách để khuyên dạy chúng nhưng chúng không nghe nên rất buồn và
thất vọng. Nhưng tôi cho rằng cơ hội để biến đổi con cháu vẫn còn đó. Tôi nhớ lại,
khi mục vụ tại Đài Loan, một lần khi có một giáo dân qua đời, khi con cháu đọc
trong tờ lối, người mẹ quá cố đã ghi, khi bà chết con cháu phải làm đám tang
theo nghi thức Công giáo. Đặc biệt, bà yêu cầu các con cháu tham dự lễ tang và
trước khi tham dự thánh lễ phải đi xưng tội để rước lễ cho xứng đáng.
Các con cháu đọc được điều này đã buồn lại còn rất lo lắng.
Họ cảm thấy rất hối hận vì bao năm lo chạy đua kinh tế, không nghe lời của mẹ để
giữ đạo cho trọn. Hôm nay đứng trước cái chết của mẹ họ không có một lý do gì để
chối từ, hoặc họ phải làm theo hoặc họ bị coi là bất hiếu. Tôi nhớ rất rõ, khi
họ đến gặp tôi họ trình bày sự việc một cách rất thành khẩn. Trước khi giải tội
cho họ, tôi đã dành nhiều ngày để tiếp tục, đồng hành và giúp họ chuẩn bị thánh
lễ an táng của người mẹ thân yêu của họ. Thật may mắn cho tôi, tôi được nghe
nhiều câu chuyện về người mẹ quá cố, tôi đã chứng kiến sự thành tâm trở lại của
những người con, người cháu của bà cụ. Bà cụ đã về với Chúa nhưng công việc tân
Phúc Âm hóa vẫn còn đó, bà đưa hết thảy các con các cháu về với Chúa, với Giáo
hội.
Thật là thú vị, người quá cố không chỉ có yêu cầu con
cháu tham dự thánh lễ an táng, bà còn chuẩn bị tiền lễ để xin lễ tuần bảy, 49
ngày, 100 ngày..., bà còn yêu cầu con cháu tham dự các thánh lễ này. Đây là một
trường hợp rất đặc biệt, sau đó tôi đã rất gần gũi với gia đình này, tôi thấy họ
đã trở lại, đi lễ thường xuyên, đưa các cháu vào đạo. Những năm sau tôi thấy họ
còn tham các Hội đoàn, được bầu vào thành viên Hội Đồng Mục Vụ.
Đây là một câu chuyện rất đặc biệt nên tôi thường kể cho
giáo dân của mình. Tôi cũng không quên khuyên mọi người bắt đầu chuẩn bị cho
cái chết. Khi chuẩn bị hậu sự hãy viết rõ trong tờ lối để cách gián tiếp giúp
các thành viên xa bỏ đức tin trong gia đình mình (nếu có) trở về với Chúa, với
Giáo hội.
6.
Tân Phúc Âm hóa và Mục vụ giới trẻ
Như phần đầu của bài thuyết trình tôi đã trình bày, công
việc truyền giáo bất đầu từ gia đình, sau đó đức tin phải được truyền ra ngoài
xã hội. Nhất là các Cursillistas,
chúng ta được mời gọi làm cho môi trường sống và
làm việc của chúng ta thành môi trường Ki-tô giáo, môi trường lấy tinh thần bác
ái của Đức Giê-su làm trung tâm đời sống của chúng ta. Đó là sứ vụ cao quý mà
Chúa giao cho chúng ta, đó là cách chúng ta thực hành tinh thần ngày thứ tư, đó
là cách thức chúng ta thực hiện lời cam kết sau Khóa Ba Ngày kết thúc.
Là một linh mục thuộc dòng
truyền giáo, tôi ý thức rất rõ về sứ vụ truyền giáo của mình. Nhất là đầu mùa
Xuân năm 2010, tôi được mời tham gia Khóa Ba Ngày của phong trào Cursillio tại Giáo Phận Gia Nghĩa, Đài Loan, tôi càng thấy sứ vụ truyền giáo cho
những người trẻ càng cấp bách hơn. Thực sự năm đó tôi vừa lãnh nhận thiên chức
linh mục được mười năm, trong lòng tôi còn đầy những kế hoạch muốn làm, tất cả
nhằm để mang ánh sáng của Chúa Ki-tô đến cho những anh chị em chưa nhận biết Ngài.
a.
Tân Phúc Âm
hoa cho giới trẻ giáo xứ
Giáo xứ nơi tôi mục vụ là giáo
xứ thuộc nhà thờ chánh tòa, là một giáo xứ có hơn 2000 giáo dân ghi danh, nhưng
chỉ có khoảng hơn 200 giáo dân tham dự thánh lễ ngày Chúa nhật. Một điều rất phổ
biến trong nhà thờ Công giáo ngày nay, hơn nữa đa số những người tham dự đều là
người cao niên và giáo xứ thiếu vắng những người trẻ.
Khi được bổ nhiệm về mục vụ ở
giáo xư này, khi, tôi bắt đầu gặp gỡ giáo dân của mình, tôi chủ động đặt vấn đề
làm sao tiếp xúc được với với giới trẻ: Làm sao đưa những bạn trẻ đã được rửa tội
nhưng xa nhà thờ về với Giáo hội? Làm sao tiếp cận được với các bạn không Công giáo?
Sau khi tiếp thu được nhiều ý kiến, tôi bắt đầu đi thăm các gia đình có người
trẻ để qua bố mẹ các em tôi được nói chuyện với các bạn trẻ. Tôi chủ động vào
các nhà trường gặp gỡ các thầy cô giáo để xin mở các lớp đọc Kinh Thánh tiếng
Anh, thậm chí cùng với một số giáo dân nhiệt thành ra các công viên xem các bạn
trẻ đang sinh hoạt, chơi thể thao với họ với mục đích để làm quen và tiếp chuyện
với họ.
Sau hơn hai năm cố gắng, giáo
xứ chúng tôi đã gầy dựng được một nhóm giới trẻ khoảng 30 em, thành lập ban nhạc
trẻ, thành lập nhóm giới trẻ đọc Kinh Thánh... Điều mới mẻ mà chúng tôi thường
tự hào, đó là giới trẻ chúng tôi không chỉ có sinh hoạt trong giáo xứ mà còn
tham gia các cuộc thi Kinh Thánh cấp giáo phận, phục vụ người già và trẻ khuyết
tật có định kỳ, biểu diễn văn nghệ tại Trung Tâm văn hóa của thành phố khi có sự
kiện lớn, giao lưu thể thao và thảo luận các chủ đề xã hội với các nhóm giới trẻ
khác... Mục đích của chúng tôi là để củng cố đức tin cho giới trẻ và huấn luyện
giới trẻ chia sẻ đức tin cho các bạn đồng trang lứa của mình theo những phong
cách riêng của họ.
b.
Tân Phúc Âm hóa
trong trường học.
Vì biết tôi có nhiệt huyết và
khả năng làm việc với giới trẻ, bề trên đã bổ nhiệm tôi vào làm tuyên úy và dạy
học trong trường Công giáo thuộc nhà dòng. Tôi còn được bổ nhiệm làm chủ nhiệm
văn phòng mục vụ giới trẻ của nhà dòng và kiêm luôn văn phòng mục vụ giới trẻ của
Hội Đồng Giám Mục Đài Loan. Khi có trong tay mọi cơ hội, thú thật tôi rất tự
hào khi mục linh mục người Việt được người Đài Loan tín nhiệm. Tuy nhiên điều
đó chỉ là cảm xúc qua, ngược lại, tôi ý thức rất rõ về trách nhiệm của mình, về
việc đi tìm chiên lạc và dẫn chúng về với Giáo hội, đồng thời loan báo Tin Mừng
cho giới trẻ chưa nhận biết Chúa.
Như chúng ta đã biết, Đài Loan là một trong những đất nước
có nền kinh tế rất phát triển ở Châu Á, đã từng được gọi là một trong bốn con rồng
Châu Á về công nghệ thông tin và vi tính. Trước tình hình đó, các gia đình luôn
luôn chạy đua với việc làm kinh tế, nên thông thường mỗi gia đình chỉ có một hoặc
hai người con. Quan niệm của những phụ huynh, đó là chịu khó và chịu khổ kiếm
tiền để cung cấp cho các con đi học. Như thế đồng nghĩa với con cái của họ được
bố mẹ nuông chiều. Ngoài ra họ cũng coi trọng bằng cấp, chạy đua vật chất, tự
do cá nhân... Nhìn chung phong cách sống của các bạn trẻ Đài Loan rất giống với
cách sống của giới trẻ phương Tây, nhất là sùng bái văn hóa giới trẻ Mỹ. Là người
Châu Á, nhưng họ chỉ thích xem phim Mỹ, chơi bóng chày, bóng rổ, ăn McDonald và
KFC...
Tóm lại, người Đài Loan đề cao khoa học, tôn thờ chủ
nghĩa cá nhân, đồng nghĩa việc xem nhẹ đời sống thiêng liêng, vai trò của tôn
giáo, gia đình, và cộng đoàn.... Thấy được những lỗ hổng đó của xã hội, trong
chương trình giáo dục Công giáo, chúng tôi nhấn mạnh nhu cầu phát triển con người
toàn vẹn cho giới trẻ. Ngoài việc hướng dẫn giới trẻ đạt được kiến thức văn
hóa, chúng tôi còn giúp học sinh bồi dưỡng những tức tính Nhân, Nghĩa, Lễ, Tín,
Hòa...
Thực ra chính phủ Đài Loan cũng ý thức được sự hạn hẹp của
giới trẻ về cái nhìn quốc tế, vì Đài Loan loan bị Trung Quốc hạn chế trong việc
giáo lưu với các nước trên thế giới. Chính vì vậy bộ giáo dục thúc đẩy chương
trình Service,
Learing and Experience of Life (Tạm dịch là Tình Nguyện, Học Hỏi và Trải Nghiệm Cuộc Sống), nhằm giúp giới trẻ,
ngoài việc học văn hóa còn biết quan tâm đến người khác và xã hội. Trong chính
sách giáo dục, chính phủ yêu cầu các học sinh phổ thông phải có ít nhất 30 giờ làm
tình nguyện mới đủ điều kiện để tốt nghiệp. Khi học đại học các sinh viên còn
phải hoàn hoàn 20 giờ tình nguyện khác. Để giúp các bạn trẻ hoàn thành yêu cầu
ngày các trường học cũng phối hợp với các cơ quan và tổ chức xã hội để giúp học
sinh hoàn thành chương trình tình nguyện này.
Không chỉ có hướng dẫn học sinh
làm công tác tình nguyện trong nước mà Chính phủ Đài Loan còn khích lệ và tài
trợ cho các chuyến đi tình nguyện và trải nghiệm cuộc sống ở nhiều nước khác
nhau. Các chương trình tình nguyện này còn giúp chính phủ đạt được khẩu hiệu “để
thế giới nhận biết Đài Loan” (讓世界看到台灣). Mục đích
giáo dục và ngoại giao đã rất có hiệu quả, vì các trường học hàng năm đã dẫn giới
trẻ xứ Đài đi khắp năm Châu để thực hiện chương trình này, đi đến đâu đều rất
thích các địa danh cùng với lá cờ của Đài Loan rồi báo cáo cho chính phủ.
c.
Tình nguyện
Việt Nam và truyền giáo
Nắm rõ được chính sách của ngành giáo dục, hiểu được nhu
cầu hoàn thành chương trình tình nguyện của học sinh, tôi quyết định lên kế hoạch
đưa học sinh ra nước ngoài làm tình nguyện. Còn nơi đến ư? Dĩ nhiên, với tư
cách là người Việt, tôi chọn Việt Nam là nơi đến hợp lý nhất.
Tôi nhớ lại, chương trình sinh viên tình nguyện Việt Nam được
bắt đầu từ năm 2011, mỗi năm cứ đến mùa hè chúng tôi đều hăm hở hành trình về
Việt Nam. Thời gian cho mỗi chuyến đi kéo dài 14 ngày. Thông thường hàng năm
đoàn gồm từ 30 đến 35 người, trong đó có hai giáo viên cùng đồng hành.
Chương trình tình nguyện của chúng tôi bao gồm tìm hiểu
văn hóa phong tục Việt Nam qua sáu ngày du lịch, hai ngày giao lưu với giới trẻ
giáo xứ, bốn ngày giúp trẻ mồ côi, một ngày thăm người già và người bệnh tật.
Trong thời gian gian đi du lịch chúng tôi nghỉ tại các Trung Tâm Hành Hành
Hương hoặc các Nhà Dòng, còn những ngày làm việc chúng tôi liên hệ với các gia
đình giáo dân, phân chia các em từng hai hai người một ở tại các gia đình,
chúng tôi gọi là “home stay.” Nói chung, trong suốt thời gian ở Việt
Nam các em học sinh và giáo viên đã trải nghiệm một cuộc sống hết sức giản đơn.
Điều đặc biệt, khoảng 80 phần trăm trong tổng số học sinh đều là lương dân,
nhưng trước khi đăng ký đi Việt Nam, tôi yêu cầu họ phải tham dự thánh lễ và dự
các giờ cầu nguyện hằng ngày của nhóm.
Thực ra năm đầu tiên kêu gọi các học sinh đăng ký đi Việt
Nam làm tình nguyện chúng tôi đã gặp rất nhiều
khó khăn, vì người Đài Loan cho rằng Việt Nam là đất nước lạc hậu về kinh tế, lại
là đất nước Cộng sản. Tôi phải đi thuyết phục từng giáo viên, nhờ họ động viên các
phụ huynh cho con của tham gia. Thật may, năm không bao lâu chúng tôi đã tuyển
chọn đủ số lượng học sinh để kể hoạch được hình thành. Sau đó chúng ta dành trọn
bốn tháng để huấn luyện học sinh.
Theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục, tôi thu tập thông tin rồi
giới thiệu cho các em về đất nước Việt Nam, về giáo xứ và giới trẻ quê hương của
tôi, về Trung Tâm Mồ Côi Dòng Bác Ái nơi chúng tôi sẽ làm tình nguyện. Tiếp đó,
chúng tôi phân chia học sinh thành nhiều nhóm, mỗi nhóm phụ trách một công việc,
trong đó có nhóm thuyết trình chủ đề, nhóm sinh hoạt, nhóm phụng vụ, nhóm thư
ký và thông tin, nhóm hậu cần...
Trong thời gian chuẩn bị, chúng tôi gặp nhau hai tuần một
lần. Tôi giải thích cho học sinh công việc cần làm sau đó các em tự phân chia nhiệm
vụ theo khả năng của từng em. Khi được phân công, học sinh của tôi làm việc rất
có ý thức và có tổ chức. Họ chuẩn bị rất kỹ càng nên khi đến Việt Nam họ trở
thành một nhóm làm việc rất tự tin và đầy tính chuyên nghiệp.
Tôi biết những năm gần đây nền kinh tế Việt Nam phát triển
rất nhanh nhưng người Việt không để ý việc bảo vệ môi trường, trong khi đó bên
Đài Loan người dân rất chú tâm việc bảo vệ môi trường mình sống, cho nên chúng
tôi chọn đề tài về môi trường để chia sẻ cho người Việt. Thật là thú vị, nếu
tôi nói với người Việt về tư duy và cách thức bảo vệ môi trường sống của người
Đài Loan thì họ sẽ cho rằng tôi đang “khoe khoang,” nhưng khi học sinh của tôi
trình bày và chia sẻ nội dung này thì người Việt đã chăm chú lắng nghe và tỏ ra
nể phục. Cũng thật đáng khen, trong thời gian làm việc tại Việt Nam, ban ngày học
sinh của tôi chia sẻ với các bạn trẻ; buổi tối, được phép của cha xứ, họ truyết
trình cho cả cộng đoàn giáo dân. Khi thực hiện các buổi thuyết trình thế này, học
sinh của tôi cảm thấy rất tự hào, vì lúc này họ là “thầy giáo,” lúc này họ là
người cho chứ không phải người nhận, nhất là họ được chia sẻ trước hàng trăm
giáo dân.
Như đã đề cập trên đây, nhóm tình nguyện của tôi đa số là
người lương, nhưng trong suốt hai tuần họ sống trong gia đình Công giáo, ngày
nào họ cũng đi tham dự thánh lễ với chủ nhà. Ngoài ra, cứ mỗi buổi sau khi làm
việc xong, chúng tôi hướng dẫn các em đọc kinh, hát thánh ca và chia sẻ những cảm
nhận để cho nhau, cho nên sau chuyến đi, họ rất có thiện cảm với Giáo hội và với
các việc đạo đức thiêng liêng.
Tôi tin chắc quý vị đã hiểu được sứ vụ truyền giáo của
tôi dành cho các bạn trẻ học sinh của tôi. Tôi không ép buộc họ phải theo đạo.
Nhưng tôi luôn tạo điều kiện để các bạn trẻ có cơ hội tiếp xúc với nhà thờ, tiếp
xúc với giáo dân và tham dự các giờ cầu nguyện của Giáo hội. Tôi cũng luôn để mắt
theo dõi từng em, nhìn xem trong quá trình tham gia tình nguyện, em nào có thiện
cảm đặc biệt với Giáo hội Công giáo, tôi bắt đầu mời họ tham dự các lớp giáo lý
dự tòng.
Chương trình giáo lý dự tòng đã có sẵn trong trường học. Học
kỳ nào cũng thế, tôi có các lớp Kinh Thánh và hai lớp giáo lý dự tòng, một lớp dành
cho giáo viên và các nhân viên làm việc trong nhà trường, một lớp dành cho các
em học sinh. Dĩ nhiên, tôi chỉ đóng vai trò đồng hành trong các lớp giáo lý và
Kinh Thánh này, còn các giáo lý viên là các giáo viên người Công giáo đạo đức
và thường đến nhà thờ.
Như vậy việc truyền giáo dành cho giới trẻ phải được thực
hiện một cách nhẹ nhàng và tế nhị. Việc chia sẻ đức tin không thể thực hiện
cách vội vàng. Nói cách khác, trong công việc truyền giáo chúng ta không thể gặt
hái kết quả ngay nhưng phải kiên trì chờ đợi trong một thời gian rất lâu dài.
Kinh nghiệm cho thấy, sau mỗi lần làm công tác tình nguyện ở Việt Nam về, tôi
có được khoảng mười em học sinh được mời đến học giáo lý, nhưng sau hơn một
năm, chỉ có hai hoặc ba em sẵn sàng rửa tội gia nhập Giáo hội Chúa.
d. Kiến tạo một ngôi
nhà đức tin mới
Chưa dừng lại đó, việc truyền giáo cần phải có sự phối hợp
với nhiều thành phần trong Giáo hội. Đối với tôi, là giáo viên trong trường học,
chủ nhiệm các văn phòng mục vụ giới trẻ của nhà dòng và của Hội Đồng Giám Mục,
tôi có nhiều nhân viên và thư ký làm việc trong các văn phòng này, vì thế tôi
giới thiệu học sinh của tôi cho họ, nhờ họ hướng dẫn thêm. Nhờ phương thức này,
các học sinh của tôi mới bắt đầu biết thông tin về Giáo xứ và các cơ sở Công
giáo. Họ được mời tham gia các sinh hoạt của Giáo hội, qua đó họ nhận ra Giáo hội
là ngôi nhà mới của họ. Đây là một việc làm hết sức quan trọng, vì sau mấy năm
học tập, khi tốt nghiệm các em học sinh của tôi cần có “ngôi nhà” đầy tình
thương này, họ cần có những người bạn trong giáo xứ để họ luôn sẵn sàng trở về.
Tôi hy vọng quý vị tiếp
tục lắng nghe câu chuyện truyền giáo của tôi, câu chuyện liên quan đến phong
trào Cursillo của chúng ta. Thật
vậy, sau khi tôi tham gia khóa huấn luyện hóa ba ngày, tôi trở thành một Cursillista. Chưa dừng lại, tiếp đó tôi được
mời làm cha linh hướng cho phong trào Cursillo của Giáo phận Gia Nghĩa, vì thế tôi có nhiều điều cam kết muốn thực hiện
cho phong trào, nhưng tôi cũng phải đối diện với nhiều thử thách cam go.
Dẫu sao, với lòng khiêm tốn và
kiên trung, tôi đã thuyết phục các anh chị trong Ban điều hành, mỗi năm khi tổ
chức các khóa mới, chúng tôi nhắm vào việc tìm kiếm các bạn trẻ đến tham dự, vì
trong mấy năm tham gia, tôi thấy đa số các thành viên đều là thành phần cao
niên. Khi tôi đưa ra ý tưởng này đã gặp phải nhiều nghi ngờ, thậm chí bị phản đối,
tuy nhiên mỗi lần tổ chức khóa tôi đều mời được bốn hoặc năm em học sinh của
tôi, những người mới được rửa tội sau những chuyến đi tình nguyện ở Việt Nam.
Thật là kỳ diệu, khi có người
trẻ tham dự, ban tổ chức đã phải có một số điều chỉnh trong cách tổ chức, nhưng
đổi lại, phong trào Cursillo
của chúng tôi đã trở nên mới mẻ hơn, có nhiều sức sống
hơn, nhất là sau trở thành những Cursillistas, họ đã cống hiến rất nhiều trông các chương trình sinh hoạt và phụng vụ của
Giáo phận và Giáo xứ.
7.
Lời Kết
Cuối cùng, tôi xin cảm ơn Ban Chấp Hành Trung Ương đã mời tôi chia sẻ bài
Rollo cho Ngành Tiếng Việt của Kỳ Đại Hội thứ 31 toàn quốc này. Đặc biệt tôi
xin cảm ơn các anh chị người Việt chúng ta đã chăm chú lắng nghe tôi trình bày
về đề tài này từ đầu đến cuối. Như các anh chị đã được giới thiệu, chủ đề chính
của Đại Hội năm nay là cùng nhau phản tỉnh về Linh Đạo Dưới Ánh Sáng của Tin Mừng
Đức Giê-su (Charism
in the light of the Gospel of Jesus).
Riêng trong giờ Rollo về tu đức
này, chúng ta chọn chủ đề “Lời Cam Kết và Khuôn Phép Của Người Lãnh Đạo Phong
Trào Curisillo” (Commitment and Discipline of the Cursillo Leaders). Vì lý do
thời gian hạn hẹp, sau khi bàn thảo với Ban Chấp Hành Trung Ương, chúng tôi đi
đến thống nhất giới hạn đề tài thành “Người Cursillista và Lời Cam Kết.” Hy vọng
cách sắp xếp này đã giúp chúng ta đi sâu hơn, hiểu rõ hơn về lời cam kết mà mỗi
thành viên Cursillista chúng ta đã hứa để mang Tin Mừng Chúa đến cho muôn dân.
Thưa các anh chị, trên đây là những trình bày về việc thực
hiện sứ vụ của một thành viên phong trào. Qua những lời chia sẻ của tôi, tôi
tin chắc rằng các anh chị cũng tìm lại được hình ảnh của chính mình trong việc
nỗ lực thực hiện lời cam kết của mình. Hy vọng trong một cơ hội nào đó tôi được
lắng nghe những kinh nghiệm “sống ngày thứ tư” của các anh chị.
Để kết thúc cho đề tài này, tôi xin nêu lên mấy ý tưởng để
giúp các anh chị nhìn lại quá trình thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng của chúng
ta: Anh chị hãy nhớ lại, LỜI CAM KẾT của mình đối với Chúa sau Khóa Ba Ngày là
gì? Chúng ta có sống trọn lời hứa và cam kết đó không? Những lý do nào cản bước
chúng ta không thực hiện những lời cam kết ấy? Theo các anh chị, cách thức nào
để giúp ta khắc phục những khó khăn mình gặp phải trong quá trình sống lời cam
kết? Làm sao để chúng ta tìm lại lòng hăng say thực hiện sứ vụ Chúa đã giao?
De
Colores!
Linh mục Antôn Phạm Trọng
Quang, SVD
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét