LM. Antôn Phạm Trọng Quang, SVD
I. I.VÀI NÉT VỀ ĐÀI LOAN
VÀ SỰ DU NHẬP CỦA LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đài Loan, một hòn đảo nhỏ có diện tích gần 36,000 m2, với tổng dân số gần 24 triệu, và chỉ hơn 200,000 giáo dân, chiếm 0,8% dân số. Đài Loan còn có tên gọi FORMOSA hay HÒN ĐẢO NGỌC do các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha đặt cho.
Chính phủ Đài Loan bắt đầu nới lỏng việc chính sách xuất
ngoại và tiếp nhận người nước ngoài vào Đài Loan vào đầu những năm 1980. Tháng
10 năm 1989, Bộ Lao Động Đài Loan đã ký quyết định cho phép tuyển dụng lao động
nước ngoài như một phần trong nỗ lực giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động. Năm
1994, lần đầu tiên chính phủ Đài Loan công bố một “Chính Sách Hướng Nam,” nhắm
đến các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Phillipines, Inđônisia và Việt Nam.
Về phía Việt Nam, từ những năm 1990 bắt đầu chương trình đổi
mới chính sách ngoại giao, tạo điều kiện cho các công ty nước ngoài vào đầu tư tại
Việt Nam và tạo điều kiện cho công nhân ra nước ngoài làm việc.
Đầu những năm 1990 hai nước thiết lập Văn Phòng Kinh Tế
và Văn Hóa để tiện cho việc giao dịch và làm thủ tục xin visa. Sau đó Việt Nam
và Đài Loan đã bắt đầu kế hoạch hợp tác song phương. Phía Đài Loan cần nguồn
lao động trẻ làm việc trong các xí nghiệp và nhà máy cơ khí, hộ lý, lao động
giúp việc nhà, và chăm sóc người già.
Theo thống kê của Bộ Lao Động Đài Loan, năm 1999, chỉ có 131 lao động Việt Nam đến Đài Loan, một năm sau đó có 7,746 lao động. Tuy nhiên, con số lao động đến từ Việt Nam tăng
lên rất nhanh những năm sau đó, cụ thể năm 2020 đã có 224,713 người. Năm nay, mặc
dầu gặp địa dịch Covid, nhưng vẫn còn 221,000 lao động làm việc tại đây.
II.
KHÓ KHĂN VÀ THÁCH ĐỐ CỦA
NGƯỜI LAO ĐỘNG KHI ĐẾN ĐÀI LOAN?
Lao động đến với hòn đảo ngọc không gì khác ngoài tham vọng
thay đổi cuộc, nhưng để đạt được giấc mơ này thật chẳng dễ dàng chút nào, thậm chí
có người còn vỡ mộng.
Họ phải làm việc trong hoàn cảnh được gọi là 3D và 1L, đó
là difficult (gian khổ),
dangerous (nguy hiểm), dirty (dơ bẩn)
và low paid (thu nhập thấp). Khi đến làm việc tại Đài Loan, các lao
động phải ký hợp đồng thông qua công ty môi giới, họ phải trả một số tiền rất lớn
cho cả môi giới phía Việt Nam và phía Đài Loan.
Nhiều lao động do hạn chế hiểu biết về luật, về văn hóa
và tập quán của nước sở tại, do môi giới không cung cấp đầy đủ thông tin, không
được đào tạo trước khi sang Đài Loan cho nên đã gặp nhiều trở ngại trong công
việc. Hơn nữa kỹ năng và hiểu biết của lao động không đáp ứng yêu cầu của chủ
thuê, họ không quen với mật độ lao động và đòi hỏi nghiêm khắc, nên đã bị khinh
dể, đánh đập, hoặc bị trả về nước.
Người lao động chịu nhiều áp lực, lớn nhất là vấn đề tiền
lương. Mặc dầu chính phủ Đài Loan quy định, mỗi tháng lao động được nhận từ
17,000 đến 22,000 Đài tệ, tuy nhiên, đa số họ lại nhận thấp hơn rất nhiều so với
mức lương quy định.
Nếu nhìn vào con số thu nhập, thì người lao động phải mất
ít nhất trên dưới hai năm để kiếm được đủ số tiền trả món nợ ở quê nhà. Rồi muốn
kiếm được thêm tiền lời họ chỉ còn vỏn vẹn một năm làm việc, với thu nhập khoảng
120-150 triệu đồng. Dĩ nhiên công việc phải ổn, không vi phạm nội quy, không
đau ốm, không nghỉ phép... để không bị khẩu trừ.
III. III. ĐƯỜNG HƯỚNG MỤC VỤ DI
DÂN CỦA GIÁO HỘI ĐÀI LOAN.
a) Thư mục vụ của Hội Đồng Giám Mục Đài Loan (HĐGMĐL)
Vào năm 1989, HĐGMĐL công bố
“Thư Mục Vụ Về Vấn Đề Lao Động Nước Ngoài.” Bức thư này dựa tuyên bố của Văn Phòng Tòa Thánh nhân ngày quốc tế di dân năm1988,
với ý bày tỏ:
“tất cả mọi
người đều có quyền tự do được di chuyển đến
một nơi an toàn và được quyền làm việc như bao nhiêu cá nhân khác.”
Cụ thể Thư mục vụ này dành những lời nhắn nhủ đến các thành
phần như sau, xin trích một số điểm tron bức thư:
·
Dành cho các nhà lập pháp
và lãnh đạo đất nước: “Họi người cần phải
được quan tâm, được lắng nghe và phải được giải quyết những khúc mắc bằng pháp luật.”
·
Dành cho các chủ thuê: Họ phải
biết rằng tầm quan trọng của những người nước ngoài đã đóng
góp rất nhiêu về trí tuệ, năng lực,
kỹ thuật cũng như là phương tiện làm việc cho các nhà
máy. Thiếu
sự quan tâm về nhu cầu làm việc, về quyền lợi của
công nhân thì sẽ ảnh hưởng xấu đến hiệu quả sản xuất.
·
Dành cho chính các lao động: “Khi
anh em bị áp lực về ngôn ngữ, khác biệt văn
hóa và tôn giáo, thì phía sau anh chị
em còn có gia đình, có quê hương và có Giáo hội đang
ủng hộ và bảo vệ anh chị em. Nhất là khi anh chị em rời xa gia đình, xa quê hương, để đến với đến Đài Loan tìm công việc, anh chị em cần phải kiên nhẫn và siêng năng làm việc”
·
Dành cho các Giáo xứ:
“chúng ta cũng mời gọi người lao động nước ngoài đến tham dự, đón tiếp họ như người nhà
để họ cũng cảm thấy được tôn trọng và thông cảm. Qua những cuộc gặp gỡ này chúng ta cũng giới thiệu đức tin Công giáo cho họ. Nếu có ai không may bị tay nạn lao động,
phải điều trị
trong bệnh viện, thì cha xứ và Ban Mục Vụ Di Dân cũng nên đi thăm và động
viên họ”.
b) Thành lập Văn Phòng Trợ Giúp Di Dân và công bố Chúa Nhật Di Dân (National Migrant Sunday)
Để tiến thêm một bước, cùng năm 1989 HĐGMĐL đã công bố thành
lập Văn Phòng Quan Tâm Lao Động Nhập Cư tại Đài Bắc (Migrant Workers’ Concern
Desk in Taipei).
Tiếp đó, vào năm 1997 HĐGMĐL cũng công bố thành lập ngày Chúa Nhật Dành Cho Người
Di Dân.
Ít năm sau đó, nhằm tiếp tục thúc đẩy công việc mục vụ di
dân, HĐGMĐL vào năm 1998, viết lá thư mục vụ thứ hai gửi tới chính phủ và người
dân Đài Loan, có tựa đề “Tinh Thần Liên Đới, Mục Vụ cho Lao Động Nước Ngoài” (Solidarity, A
Pastoral Service For Foreign Workers).
Bức thư có đoạn viết:
Lao động nước
ngoài đã đóng góp rất nhiều vào sự phát triển kinh tế của đất nước.
Họ làm việc cả ngày lẫn đêm. Họ góp phần nâng cao sức mạnh cạnh tranh của Đài
Loan trên thị trường kinh tế thế giới. Họ đã
chấp nhận rời bỏ quê hương và người thân yêu của
mình, họ đã phải điều chỉnh thái độ và phong cách sống của mình để phù hợp với văn hóa, phong tục và chương trình làm
việc của người địa phương.
Mỗi Giáo phận cần thành lập một Ban mục vụ cho người lao
động nước ngoài, các thành viên làm việc chung với nhau để tìm cách cải thiện
công việc phục vụ cho họ.
c) Các Giáo phận thành lập Ban Mục Vụ Di Dân
Đài Loan có bảy Giáo phận. Trong các Giáo phận có sự hiện diện của nhiều Hội dòng.
Vì thế, khi HĐGMĐL kêu gọi mục vụ cho di dân, các Giáo phận và các Hội dòng đã
hưởng ứng hết sức tích cực.
Nổi bật nhất là Giáo phận Tân Trúc, họ thành lập Trung Tâm Hy Vọng và Trung
Tâm Phục Vụ Di Dân. Đức Giám mục bổ nhiệm các linh mục, nữ tu, và giáo dân
là nhân viên và chuyên viên làm việc full time.
Giáo phận đưa ra một bản tuyên bố chung:
Sống theo khuôn mẫu
của Chúa Giê-su, các trung
tâm nỗ lực thúc đẩy sự công bằng, chính nghĩa và điều
kiện làm việc an toàn cho người lao động địa phương và lao động nước ngoài. Hy vọng sự công bằng và chính nghĩa này dần dần trở thành tiêu
chuẩn cho Luật
Lao Động của đất nước. Trung
tâm sẽ cung
cấp một nhóm nhân viên chuyên hỗ trợ và đồng hành với
người di dân và gia đình của họ. Trung tâm cũng sẽ tạo điều kiện để họ có nơi thực hiện nhu cầu văn hóa và
tín ngưỡng
của mình.
Tiếp đó, Trung tâm kết hợp với nhiều giáo xứ trong Giáo phận
sắp xếp nhiều thánh lễ bằng tiếng Anh, tiếng Inđônisia và tiếng Việt. Trung tâm
mở các lớp tiếng Hoa và các lớp học hỏi pháp luật tất cả đều miễn phí. Trung
tâm cũng nhận bào chữa miễn phí cho các lao động bị xâm hại tình dục, bị đánh đập
vân vân.
d)
Văn Phòng Trợ Giúp Công Nhân, Di Dân Việt Nam
Do số
lượng người di dân từ Việt Nam đến
ngày càng cao, kể cả công nhân và các cô dâu lấy chồng Đài, Hội Dòng Truyền giáo thánh Columban, thành lập Văn Phòng Trợ Giúp Công Nhân và Di Dân Việt Nam vào năm
2004.
Văn phòng được thành
lập bởi linh mục Phêrô Nguyễn Văn Hùng, với đội ngũ hơn 10 nhân viên, trong đó 2 linh mục, 4 nhân viên người Việt Nam và nhiều người Đài
Loan.
Văn phòng đã nhận được nhiều sự quan tâm và giúp đỡ của nhiều cá nhân
và cộng đồng ở Đài Loan cũng như nhiều nơi trên thế giới, nhất là cộng
đồng người Việt tại Hoa Kỳ, Úc Châu,
Canada và nhiều nước Châu Âu.
Văn Phòng thực
hiện nhiều mục tiêu cấp
thiết, bao
gồm:
(1) đấu tranh để “chấm dứt tệ nạn buôn người
từ Việt Nam;
(2) cung cấp kịp thời các phương thức cứu trợ,
giúp đỡ các nạn nhân bị hành hạ;
(3) cố vấn pháp luật và phái luật sư can thiệp và bào
chữa tại toà;
(4) trao dồi kiến thức về luật pháp để
giúp người lao động ý thức quyền làm chủ, đấu tranh cho
nhân quyền, nhân phẩm của chính mình.”
IV. IV. ĐÁNH GIÁ VÀ
TÁI KHẲNG ĐỊNH (thay lời kết)
Nỗ lực của Giáo hội đã giúp cho nhân phẩm của người lao động
được tôn trọng, không chỉ dành cho người Việt mà cho người nhập cư từ nhiều quốc
gia.
Tiếng nói của Giáo hội đã có tác động rất lớn đến việc
thay đổi chính sách lao động của chính phủ Đài Loan. Ví dụ, ngày 21 tháng 10
năm 2016, Quốc
Hội Đài Loan chính thức thông qua điều
52 Luật Giao Dịch Việc Làm, hủy bỏ việc lao động
nước ngoài phải xuất cảnh 1 ngày sau 3 năm làm việc. Môi giới lợi dụng thủ đoạn này để đuổi lao động về nước hoặc thu thêm nhiều
khoản tiền khác.
Đây là một thành công lớn cho các nhà đấu tranh vì quyền
lợi của công nhân. Ngày
21/10/2016 thật sự là một ngày vui, và một ngày vô cùng ý nghĩa với
hàng trăm ngàn người lao động.
Còn một điều luật nữa mà cho tới hôm nay Giáo hội Công giáo cùng với các tổ chức
phi chính phủ đang còn phải đấu tranh, đó là yêu cầu “hủy bỏ chế độ môi giới”.
Khi nói về chủ đề mục vị di dân và lao động Việt Nam tôi
nhớ đến câu chuyện của người Israel khi họ phải lưu đầy ở Babilon, khi họ chịu
cảnh tù đày và bị ngược đãi, khi họ kêu cầu lên Chúa thì Thiên Chúa đã gửi các
tiên tri đến an ủi, đồng hành và khuyên bảo họ tiếp tục giữ vững niềm tin vào
Ngài.
Ngày nay, khi người Việt ồ ạt qua các nước lao động, Thiên
Chúa đã gửi đến cho họ nhiều vị “tiên tri” để đồng hành và đấu tranh cho quyền
lợi của họ, đó là các linh mục và tu sĩ. Cụ thể ở Đài Loan, năm ngoái, Hội tu sĩ Việt Nam tại nước này đã kỷ niệm 30
năm thành lập hội. Ban đầu chỉ có khoảng 20 tu sĩ người Việt đến Hoa Kỳ, Úc và Canada
để truyền giáo. Nhưng cho đến nay, ước tính có khoảng hơn 60 linh mục và khoảng
200 tu sĩ người Việt mục vụ tại đây.
Khi lao động và di dân người Việt cần sự giúp đỡ thì
không chỉ có Cha Phêrô Nguyễn Văn Hùng và cha Phêrô Nguyễn Hùng Cường nhưng hết
thảy chúng tôi, hằng trăm linh mục và tu sĩ người Việt đã sẵn sàng đưa tay ra cứu
giúp họ.
Thật vậy, khi Giáo hội có hướng đi rõ ràng, khi các Giáo
phận và Hội dòng có văn phòng và nhân sự mục vụ cho di dân, nhất là trong đó có
các linh mục và tu sĩ người Việt, thì đời sống của người lao động và di dân Việt
Nam được cải thiện.
Tôi tin rằng, không chỉ có ở Đài Loan, nhưng còn nhiều nơi khác, nơi nào có
người Việt, Thiên Chúa đã gửi các vị “tiên tri” đến nơi đó để đồng hành, hướng
dẫn và giúp đỡ con cái của mình. Tạ ơn Thiên Chúa.
Vậy, để đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa, chúng ta, tiếp tục phát huy sứ
vụ ngôn sứ của mình, để chấm dứt hiện tượng “bắt con bỏ chợ”, mặc kệ người lao
động than khóc nơi đất khách quê người.
Chúng ta hãy hăng say lên đường để đi tìm các “chiên lạc” và đưa họ về cùng
một đoàn chiên: quê hương, gia đình và Giáo hội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét