10.1.22

ĐẠO CÔNG GIÁO CÓ CHO PHÉP THỦY TÁNG KHÔNG?

 ĐẠO CÔNG GIÁO CÓ CHO PHÉP THỦY TÁNG KHÔNG?

 

Cách đây một thời gian, khi ca sĩ Phi Nhung mới qua đời, con gái của ca sĩ là cô Wendy chia sẻ trên các kênh truyền thông rằng, cô muốn để tro cốt của mẹ mình ở tịnh xá cho đến lúc mãn tang, sau đó cô sẽ mang tro cốt của mẹ đến Hawaii để thủy táng. Cô cho biết thêm, vì lúc còn sống, mẹ của cô rất thích đi du lịch, nhất là thích các chuyến đi chơi ở biển.

Khi nghe con gái Phi Nhung chia sẻ như vậy nhiều người Công Giáo cũng có sự đồng cảm và thích thú. Trong nhiều cuộc trò chuyện gần đây tôi cũng nghe nhiều người bàn thảo về chủ đề này, tuy nhiên họ cũng đặt lại câu hỏi với tôi về nguyên tắc của tôn giáo mình đối với việc thủy táng. Họ hỏi rằng, là một người theo đạo Công Giáo, chúng ta có được lựa chọn phương pháp thủy táng hay rắc tro trên đất hoặc dưới gốc cây không?

Đây là những câu hỏi hết sức thú vị và cũng rất quan trọng đối với người Công Giáo chúng ta. Trước khi trả lời cho những câu hỏi này, tôi xin khẳng định, tôi hoàn toàn tôn trọng sự lựa chọn của cô Wendy và những người bạn không cùng tôn giáo với tôi. Bài viết này cũng không có ý định tranh luận với ai vì tôi biết vốn hiểu biết về giáo lý và truyền thống của các tôn giáo bạn của tôi rất giới hạn. Bởi thế, trong bài viết này, tôi chỉ muốn trình bày một vài quan điểm theo hướng dẫn của đức tin Hội Thánh Công Giáo, hầu giúp mọi người hiểu được vấn đề.

VẤN ĐỀ SỰ SỐNG ĐỜI SAU

Tôi cũng mong độc giả hiểu rõ mỗi tôn giáo có một khái niệm khác nhau về sự chết, nhất là vấn đề sự sống sau cái chết. Có thể có nhiều người cho rằng chết là hết, nhưng đức tin của người Công Giáo dạy chúng ta rằng chết không phải là hết, nhưng chết là “lìa bỏ thân xác để trở về với Chúa” (2 Cr 5, 8).

Chính Chúa Giêsu đã chết và phục sinh thì mỗi Ki-tô hữu chúng ta, nhờ tin vào Chúa, không ai tránh được sự chết, tuy nhiên trong ngày sau hết chúng ta lại được sống lại một cách vinh quang như Người. Điều này được lý giải trong thư của Thánh Phaolô tông đồ gửi cho tín hữu Côrintô: “Đức Kitô đã sống lại từ cõi chết, là hoa quả đầu mùa trong số những người đã an nghỉ [...] mọi người phải chết nơi Ađam thế nào, thì mọi người cũng sẽ được sống trong Đức Kitô như vậy” (1Cr 15, 20-22).

Bởi nền tảng đức tin này, trong Sách Lễ Rôma có đoạn viết: “Lạy Chúa, đối với các tín hữu Chúa, sự sống thay đổi chứ không mất đi, và khi nơi nương náu ở trần gian bị hủy diệt tiêu tan, thì họ lại được một chỗ cư ngụ vĩnh viễn trên trời” (Kinh Tiền Tụng Lễ Cầu cho Tín Hữu Qua Đời). Chính vì thế, trong Huấn Thị Về Việc Mai Táng và Lưu Giữ Tro Hỏa Táng, Đức Hồng y Gerhard Müller đã giải thích: “Khi con người chết, linh hồn rời khỏi thân xác, nhưng khi sống lại, thân xác chúng ta sẽ được Thiên Chúa ban cho sự sống bất diệt, được biến đổi khi liên kết lại với linh hồn” (số 2).

Như vậy, Giáo Hội đã tin và không ngừng rao giảng rằng về sự sống đời đời. Giáo Hội luôn “tin xác loài người ngày sau sống lại” (Kinh Tin Kính). Hơn nữa Giáo Hội hoàn toàn tôn trọng thân xác của người đã qua đời, cho nên tiếp tục cổ võ việc địa táng. Dĩ nhiên, ngày nay vì lý do vệ sinh, kinh tế hay xã hội, Giáo Hội đã cho phép được hỏa táng thi hài các tín hữu, tuy nhiên Giáo Hội cũng đưa ra một số nguyên tắc rất quan trọng liên quan đến việc an táng, chúng ta sẽ tiếp tục bàn thỏa sau đây.

NÊN CHÔN CHẤT NGƯỜI QUA ĐỜI Ở ĐÂU?

Theo Bộ Giáo luật, điều 1176, Giáo Hội mong muốn thi hài người qua đời được an táng trong các nghĩa trang và những địa điểm linh thiêng. Bởi vì, theo Huấn Thị Về Việc Mai Táng và Lưu Giữ Tro Hỏa Táng của Tòa Thánh: “Ngôi mộ trong nghĩa trang hay ở những nơi thánh thiêng, thật xứng hợp với thái độ tôn kính hay sự quý trọng dành cho thân xác của các tín hữu đã qua đời, thân xác đã trở nên đền thờ Chúa Thánh Thần nhờ Bí tích Thánh Tẩy” (Số 3).

Nếu chúng ta sống ở Châu Âu, Châu Úc hay ở Hoa Kỳ, nhiều giáo xứ xây dựng nghĩa trang ở ngay bên cạnh nhà thờ, trong khuôn viên nhà hưu dưỡng hoặc các Hội Dòng. Các nghĩa trang này đều được thiết kế và xây dựng rất trang hoàng và đẹp mắt. Hằng năm cứ vào dịp lễ các đẳng linh hồn hay nhiều dịp lễ quan trọng khác, Giáo Hội thường tổ chức thánh lễ tại các nghĩa trang. Ngoài ra còn tổ chức nhiều chương trình âm nhạc, cầu nguyện chung để tưởng nhớ các linh hồn đã khuất. Chúng ta còn thấy nhiều cá nhân hoặc gia đình còn tổ chức các buổi gặp gỡ hay toàn tụ gia đình bên phần mộ của người thân yêu của họ.  

CÓ ĐƯỢC ĐỂ TRO TRONG TƯ GIA HAY KHÔNG?

Ngày nay nhiều gia đình vì nhiều lý do chọn cách hỏa táng. Như đã nêu trên, điều này được Giáo Hội cho phép nhưng theo Huấn Thị Về Việc Mai Táng và Lưu Giữ Tro Hỏa Táng thì “tro hoả táng có thể được lưu giữ tại một nơi xứng đáng, chẳng hạn tại nghĩa trang, hoặc trong một số trường hợp, tại thánh đường hoặc một nơi dành riêng, được cung hiến bởi thẩm quyền Giáo Hội” (Số 5). Hiện nay chúng ta thường thấy nhiều giáo xứ ở các thành phố lớn, vì lý do không có đất để xây nghĩa trang nên xây các “Nhà Trông Đợi Phục Sinh” để đặt tro của các người qua đời sau khi thi thể của họ được thiêu.

Như vậy sau khi hỏa táng không ai được mang tro về để trong tư gia hay một nơi nào bất kỳ ngoài việc chôn cất nơi nghĩa trang hay đặt vào những nơi được Giáo Hội quy định. Vì theo truyền thống, các giáo hữu luôn cầu nguyện và tưởng nhớ những anh chị em tín hữu đã qua đời tại các phần mộ. Việc cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời tại nghĩa trang hay những nơi thánh thiêng giúp cho những người đã ly trần không bị lãng quên.

Ngoài ra việc cầu nguyện này cũng giúp chúng ta suy niệm về một Giáo Hội hiệp thông, hiệp thông giữa những người đã qua đời, những người đang sống trên trần gian như chúng ta và các thánh trên thiên đàng. Như lời dạy trong Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo: “Có sự hiệp thông giữa toàn thể các tín hữu Chúa Kitô, những người đang trên đường lữ hành trần thế, những người đang trải qua thời gian thanh luyện, và những người đang hưởng phúc thiên đàng, tất cả làm nên một Hội Thánh duy nhất” (Số 961).

NGƯỜI CÔNG GIÁO ĐƯỢC THỦY TÁNG KHÔNG?

Dựa vào những phân tích trên, Giáo Hội Công Giáo không cho phép chúng ta đưa tro của người thân của mình đi đổ xuống biển (thủy táng), rải trên mặt đất hay gốc cây (lục táng). Giáo Hội cũng không cho phép giữ tro cốt hỏa táng trong các kỷ vật, đồ trang sức hay vật dụng nào khác. Thời nay, nhiều gia đình vì lý do sống phân tán, mỗi người sống một phương, nhất là có người ở hải ngoại có người ở trong nước, nên họ muốn phân chia tro hỏa táng cho các nhóm thành viên khác nhau trong gia đình, nhưng xin nhắc lại, điều này vẫn không được Giáo Hội cho phép (Huấn Thị, số 6).

Như vậy, đối với những ai công khai bày tỏ ý muốn phải được thiêu xác và tro hoả táng phải được tung rắc phân tán vì những lý do nghịch với đức tin Kitô Giáo, Giáo Hội có quy định rất nghiêm khắc, rằng “không được cử hành nghi lễ an táng Kitô Giáo cho người ấy, theo như Giáo luật quy định” (Bộ Giáo luật, điều 1184).

Trên đây là những câu trả lời và lý giải rất quan trọng đến việc hỏa táng và cho những câu hỏi liên quan dưới tinh thần của đạo Công Giáo. Các tư liệu chủ yếu dựa vào Kinh Thánh, Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo và nhất là Huấn Thị Ad Resurgendum Cum Christo Về Việc Mai Táng Và Lưu Giữ Tro Hỏa Táng của Văn phòng Bộ Giáo Lý Đức Tin, công bố ngày 15 tháng 8 năm 2016. Trước đó, Huấn Thị này cũng được Đức Giáo Hoàng Phanxicô phê duyệt vào ngày 18 tháng 3 năm 2016.

Hy vọng đây là những kiến thức thực tế và bổ ích cho các tín hữu Công Giáo và những ai quan tâm việc an táng và nhiều vấn đề liên quan trong Giáo Hội. Cảm ơn sự ủng hộ của quý độc giả và mong được trở lại tiếp chuyện với quý vị trong các đề tài sau.

Linh Mục Antôn Phạm Trọng Quang, SVD

Washington DC, ngày 09/01/2022.


Bài đăng trên VietCatholic News

https://vietcatholic.net/News/Home/Article/273527

CHỨNG KIẾN ĐIỀU KỲ DIỆU KHI VIẾNG TƯỢNG ĐỨC MẸ BỊ CHẶT TAY

CHỨNG KIẾN ĐIỀU KỲ DIỆU KHI VIẾNG TƯỢNG ĐỨC MẸ BỊ CHẶT TAY

Đầu tháng 12 năm 2021, khi nghe tin Tượng Đức Mẹ Fatima trong khuôn Đền thánh Quốc gia Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội ở thủ đô Washington bị kẻ xấu chặt tay, tôi rất kinh ngạc và cảm thấy đau buồn vì bức tượng này ở ngay bên cạnh trường học của tôi.

Ít ngày sau đó, tôi tiếp tục dõi theo thông tin và được biết cảnh sát thành phố đã công bố video cho thấy một người đàn ông đeo mặt nạ đến dùng búa phá hủy đôi tay của Đức Mẹ. Tệ hơn thế nữa, ông ta còn đập vỡ mũi, làm rách khuôn mặt Đức Mẹ, và tháo gỡ Thánh giá trên triều thiên (VietCatholic News).




Cũng theo thông tin báo chí nhiều anh chị em giáo dân đã tập trung đọc kinh Mân Côi dưới tượng của Mẹ để phạt tạ về sự bất kính và độc ác của người đàn ông kia. Tôi rất muốn đến để cầu nguyện với họ, nhưng vì trong thời gian đó tôi còn bận việc viết bài cuối học kỳ. Đến cuối tháng tôi mới cùng một số giáo dân đến thăm viếng và cầu nguyện dưới chân tượng của Mẹ.

Thật đau lòng khi chính mắt mình nhìn thấy đôi bàn tay của Mẹ đã không còn nữa, và khuôn mặt Mẹ rách nát bởi nhiều nhát búa tán vào. Đứng trước tượng Mẹ nhiều người trong chúng tôi đã rưng rưng nước mắt. Tôi tự hỏi: Tạo sao người ta lại độc ác và vô phép như thế?




Mặc dầu rất đau lòng, nhưng trong lúc cầu nguyện tôi nhớ lại lời của Đức Ông Walter Rossi, giám quản Đền thánh, nói chúng ta tiếp tục cầu xin Mẹ tha thứ tội lỗi cho nhân loại, tha thứ cho những ai xúc phạm đến lòng nhân từ của Mẹ. Tôi xin Mẹ chuyển cầu để Chúa tha thứ cho họ và cho toàn thể nhân loại.

Điều kỳ diệu chúng tôi khám phá khi đến cầu nguyện, là có người nào đó đặt dưới chân Mẹ một tấm bảng, ghi: “Let Me Be Your Hands”, tôi xin tạm dịch là “Con nguyện trở thành đôi tay của Mẹ”. Vâng, đôi tay của Đức Mẹ đã bị kẻ dấu chặt phá đi, nhưng hết thảy mỗi người chúng ta có thể trở thành những bàn tay của Mẹ, để nối dài những gì Mẹ muốn chúng ta thực hiện.

Đức Mẹ luôn muốn mang đến cho thế giới sự yêu thương và hòa bình. Khi trở thành đôi tay của Mẹ là lúc chúng ta luôn nỗ lực loan báo sự tha thứ, lòng nhân ái cũng như hy sinh vì tình yêu cho nhân loại. Cuộc sống xã hội ngày hôm nay vẫn còn có nhiều chia rẽ và hận thù, chúng ta cần phát triển văn hóa tình thương để mọi người được sống trong cảnh bình an và tôn trọng những khác biệt của nhau hơn.




Lời của Đức Hồng y Timothy Dolan của New York và Tổng giám mục Paul Coakley của thành phố Oklahoma, Chủ tịch Ủy ban Tự do tôn giáo và Công lý của Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ, là một minh chứng, các ngài nói: “Vẫn còn nhiều điều chúng ta chưa biết về hiện tượng đập phá này, nhưng ở mức tối thiểu, chúng nhấn mạnh rằng xã hội của chúng ta đang rất cần ân sủng của Thiên Chúa” (UCAN).

Trở thành đôi tay của Đức Mẹ, có nghĩa là chúng ta không chỉ kêu gọi mọi người lên án những vụ tấn công này, nhưng có lẽ mọi tín hữu cần yêu mến Mẹ nhiều hơn, cầu nguyện nhiều hơn, nhất là cần hiệp thông một lòng để bảo vệ Giáo hội của Mẹ. Vì theo báo cáo của các Giám mục đã có hơn 100 vụ phá hoại các tượng ảnh của các địa điểm Công giáo ở Hoa Kỳ kể từ tháng 5/2020 cho đến nay (UCAN).

Thử hỏi, một xã hội được cho là văn minh và thượng tôn pháp luật như Hoa Kỳ còn có nhiều cuộc tấn công như vậy thì huống chi nhiều quốc gia khác, đã và đang có biết bao nhiêu cơ sở tôn giáo, bao nhiêu ảnh tượng tôn giáo bị phá hoại. Nguyện trở thành đôi bàn tay của Mẹ để bảo vệ Giáo hội và kiến tạo hoà bình nơi chúng ta đang sống.

Lm Antôn Phạm Trọng Quang, SVD

Ngày Lễ Đức Mẹ Là Mẹ Thiên Chúa


Bài đăng trên VietCatholicNews: https://vietcatholic.net/News/Home/Article/273441



 

4.1.22

LỜI NGUYỆN GIÁNG SINH


LỜI NGUYỆN GIÁNG SINH



 
Ôi Thiên Chúa tình yêu,
Nhờ sự Giáng Sinh của Con Chúa là Đức Giê-su Ki-tô,
Và nhờ ân sủng, Ngài đã mặc lấy thân phận làm người.
 
Là một hài nhi, Ngài tỏa lan niềm phấn khởi hân hoan,
Là một con người, Ngài dạy con yêu mến cuộc sống nơi dương gian,
và hứa ban sự sống vĩnh cửu trong đó có Chúa hiện diện.
 
Ngài dạy con yêu thương với tình yêu không đòi đền đáp,
Mến thương và chăm sóc trái đất và muôn loài trong đó,
Vì đây là món quà được Chúa ban qua công trình Ngài sáng tạo.
 
Ngài đã trở nên khuôn mẫu để con học đòi bắt chước,
Mẫu gương về sự hy sinh,
Mẫu gương về lòng biết ơn dành cho Chúa,
Mẫu gương về một lời giao ước cho tình yêu, hòa bình và công lý.
 
Trong niềm hân hoan mừng Con Chúa giáng trần,
Con dâng lên Ngài lời tạ ơn vì tất cả những hồng ân Ngài ban tặng,
Con cầu nguyện cho những anh chị em đang sống trong cảnh đói nghèo, thiếu thốn và bệnh tật.
 
Con tạ ơn Chúa về sự hiện diện của người thân yêu, gia đình và cộng đoàn,
Về lương thực Chúa ban để nuôi dưỡng đời sống con,
Để con nguyện sống liên đới trong tinh thần môn đồ của Chúa.
 
Con cầu xin nhờ danh Con của Chúa, là Đức Giê-su Ki-tô,
Đấng hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Chúa Thánh Thần, đến muôn thuở muôn đời. Amen.
 
Linh mục An-tôn Phạm Trọng Quang, SVD chuyển ngữ
 
 
Nguồn:
 
A Christmas Prayer
 
O loving God,
through the birth of your Son, Jesus Christ,
you have touched humanity with grace.
 
As a child, he delighted us, and as a man
he taught us to be grateful for our lives on earth
and for the promise of life forever in your presence.
 
He taught us to love one another without reservation
and to love and care for the earth and its produce,
the gifts we received from you in creation.
 
He gave us an example to imitate,
an example of self-sacrifice,
an example of gratitude to you,
an example of commitment to love and peace and justice.
 
As we celebrate his Nativity,
we thank you for all of these gifts,
and we pray for those who suffer today from poverty or illness.
 
We thank you for the company of our family and friends
and for the food and drink that sustains us
as we continue to live as his disciples.
 
We make this prayer in the name of your Son, Jesus Christ,
who lives and reigns with you in the unity of the Holy Spirit,
God, for ever and ever. Amen.
 
Greg Tobin
President of RENEW International
Christmas 2021
 

Sứ Vụ Truyền Giáo: Lời Cam Kết Của Thành Viên Phong Trào Cursillo

  Sứ Vụ Truyền Giáo: Lời Cam Kết Của Thành Viên Phong Trào Cu rsillo   1.       Dẫn nhập Buổi chiều ngày cuối cùng khóa “khóa ba ngà...