Trong những ngày qua Giáo Hội Hoa Kỳ liên tục chịu áp lực
bởi những tin tức giật gân, trước hết đó là tin Đức Hồng Y Theodore McCarrick
(nay chỉ gọi là Tổng Giám Mục McCarrick) bị cáo buộc về tội lạm dụng tình dục
các chủng sinh, rồi đến lượt báo chí đưa tin gần 300 linh mục thuộc Giáo Phận Pennsylvania
lạm dụng tình dục trẻ em trong suốt hơn mấy thập kỷ, con số nạn nhân lên đến gần
1000 người. Đây là một nỗi đau rất lớn của Giáo Hội toàn cầu nói chung và Giáo Hội
Hoa Kỳ nói riêng. Người ta bắt đầu có cái nhìn khinh bỉ về Giáo Hội, thậm chí
các linh mục bị căm ghét và bị tấn công, giáo dân bị chửi rửa, chịu nhiều chỉ
trích trên các phương tiện truyền thông. Chính vì thế nhiều giáo sĩ không dám
ra đường, giáo dân xa lánh nhà thờ và không dám xưng mình là người Công Giáo. Nhiều
người quan tâm và đặt câu hỏi cho chúng tôi: Tại sao trong Giáo Hội lại có thể xảy
ra những chuyện động trời như vậy? Chúng ta phải làm gì bây giờ? Bản thân người
viết không có hiều nghiên cứu về lĩnh vực này, nên chỉ xin mạo muội trình bày một
vài suy nghĩ và cảm nghiệm cá nhân.
Thành tâm phản tỉnh:
Trước hết, thật xấu hổ khi điều tồi tệ này xảy ra trong
Giáo Hội. Vâng, không ai muốn nó xảy ra, nhưng khi đã xảy ra thì đây là dịp
thích hợp để chúng ta thành tâm phản tỉnh chính mình. Chúng ta ai nấy đều phải công
nhận, lạm dục tình dục, hay xâm phạm tình dục người khác, nhất là trẻ em, là một
tội ác và đáng lên án. Các vị chủ chăn là những người rao giảng Lời Chúa nhưng có
một số lại làm điều trái với tinh thần của Tin Mừng. Chúng ta cũng phải công nhận,
đức khiết tịnh và lòng trung thành trong thời đại ngày nay đã bị suy thoái.
Cũng giống như trong đời sống hôn nhân, nhiều đôi nam nữ đã không giữ được lòng
chung thủy đối với bạn đời của mình, mà đi ngoại tình, rồi li dị nhau, thì các
linh mục và tu sĩ cũng không giữ được đức trong sạch mà mình đã khấn hứa với
Chúa và với Giáo Hội lúc ban đầu. Dĩ nhiên, Giáo hội luôn có nhiều linh mục và
tư sĩ tốt lành và thánh thiện biết làm chứng cho Chúa trước mặt mọi người.
Nhưng với những hành vi sai trái của một số linh mục, thì tất cả các linh mục, giám
mục khác và ngay cả giáo dân đều bị ảnh hưởng. Vì lòng yêu mến Giáo Hội, chúng
ta hãy cúi đầu nhận tội và xin lòng thứ tha trước mặt các nạn nhân và trước mặt
Chúa. Chúng ta đã khiến cho Giáo Hội bị tổn thương, thì chúng ta cũng phải có
trách nhiệm thanh tẩy và xây dựng lại một Giáo Hội thánh thiện hơn. Giáo Hội cần
đến mọi người chúng ta, Giáo Hội không muốn chúng ta rời bỏ nhà thờ, mà cần sự
đồng hành và giúp sức để Giáo Hội được phục hưng như thuở ban đầu.
Sẵn sàng lắng nghe:
Điều thứ hai, đó là chúng ta cần cởi mở để lắng nghe.
Chúng ta không nên tránh né, để ngoài tai hoặc có thái độ vô can trước những
tin tức này, nhưng nên bình tĩnh tìm hiểu, tiếp thu nhiều nguồn tin khác nhau. Đặc
biệt khi tìm hiểu, chúng ta sẽ có dịp lắng nghe được tiếng khóc than của các nạn
nhân. Như lời của Thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô mà Đức Thánh Phanxicô sử dụng
lại trong thư gửi cho cộng đồng dân Chúa ngày 20 tháng 8 vừa qua, “nếu một bộ
phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau”, thì chúng ta cũng sẽ hiểu được nỗi đau
của các nạn nhân và gia đình của họ. Nỗi đau này không của riêng ai, mà là của
hết mọi người. Tuy nhiên, khi chúng ta đọc và nghe tin tức, chúng ta cũng nên biết
tìm cách bảo hòa, thu tập tin tức từ nhiều góc độ và thái độ khác nhau. Ngoài
những nguồn tin của các đài truyền hình hay báo chí công cộng, chúng ta cũng
nên theo dõi các chương trình truyền hình và báo chí của Giáo Hội, lắng nghe lời
nhận định của các vị chủ chăn, hiểu theo sự chỉ dạy của Giáo Hội. Vì khi những
sự việc này xảy ra, Giáo Hội đã rất tích cực tiếp xúc với những người trong cuộc,
nhất là các nạn nhân và gia đình của họ. Giáo Hội đã rất cố gắng bàn thảo và tìm
kiếm sự trợ giúp của các chuyên gia, để đưa ra được nhiều phương pháp tốt nhằm giải
quyết thỏa đáng vấn đề, mang lại công bằng và niềm hy vọng cho người khác.
Gia tăng cầu nguyện:
Khi nghe những tin tức này nhiều
người chúng ta cảm thấy rất đau buồn. Khi nghe nhiều lời bàn tán thậm chí lên
án Giáo Hội thì càng làm cho chúng ta hoang mang. Thực tế trí khôn ngoan và khả
năng phán đoán của con người nhiều khi không đủ để nhận định rõ một vấn đề, cho
nên chúng ta cần có sức mạnh của ơn trên, vì thế thái độ thứ ba chúng ta cần có,
đó là gia tăng sự cầu nguyện và sám hối. Như Đức Thánh Cha Phanxicô viết: “Sám
hối và cầu nguyện sẽ giúp chúng ta mở mắt và trái tim chúng ta ra trước những
đau khổ của người khác và vượt qua được lòng khao khát quyền lực và tài sản thường
là gốc rễ của những tệ nạn đó.” Khi chúng ta cầu nguyện chúng ta mới loại bỏ được
những tính tham lam, thái độ biên kiến. Khi chúng ta cầu nguyện Chúa sẽ ban
thêm sức mạnh và khả năng để chúng ta luôn biết nói không phải tội lỗi. Và khi
chúng ta cầu nguyện thì Chúa Thánh thần sẽ hướng dẫn chúng ta để chúng ta thấy
được những điều chúng ta cần làm để thăng tiến Giáo Hội, mang lại lợi ích cho
nhiều người.
Thực thi bác ái:
Việc phản tỉnh, lắng nghe và cầu nguyện sẽ giúp Giáo Hội nhìn
thấy được có nhiều lúc Giáo Hội đi lệch tinh thần Phúc Âm, cho nên điều thứ tư
chúng ta cần phát huy, đó là tích cực thực thi lòng bác ái. Nói cách khác, trong
thời gian qua Giáo Hội dành quá nhiều công sức cho việc chạy đưa với những
thành tích bề ngoài như xây dựng nhà thờ, trường học, trung tâm hành hương và
nhiều công trình tôn giáo khác. Giáo Hội có lẽ quên đi sứ vụ quan trọng và cốt
yếu của mình, đó là chăm sóc các linh hồn và phục vụ người nghèo.
Chắc chắn trong thời gian qua nhiều người trong chúng ta cũng
đã phải trải qua những khoảnh khắc đau khổ và thất vọng về Giáo Hội vì nạn lạm
dụng tình dục trẻ em của các linh mục. Nhưng chúng ta hãy động viện nhau để lấy
lại tinh thần mà tạ ơn Chúa vì những ơn lành Ngài ban cho chúng ta, nhất là tinh
thần yêu mến Giáo Hội và lòng nhiệt huyết tông đồ nơi mỗi người chúng ta. Và vì
lòng yêu mến Chúa và yêu mến Giáo Hội, chúng ta hãy thành tâm suy xét về những thiếu
sót của mình, sẵn sàng lắng nghe, nhiệt thành cầu nguyện và tích cực thực thi
việc làm bác ái mọi lúc mọi nơi. Vì qua những việc làm này, chúng ta sẽ giúp Giáo
Hội tìm ra những hành động cụ thể hợp với tinh thần của Tin Mừng. Một lần nữa,
xin mượn lời của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thư gửi cho dân Chúa ngày 20
tháng 8 vừa qua để nhắn nhủ cho nhau: “Mỗi khi chúng ta cố gắng trở về nguồn và
khôi phục lại sự tươi mới của Tin Mừng, những đại lộ mới sẽ xuất hiện, những
con đường sáng tạo mới sẽ mở ra.”
Xin Mẹ Maria luôn cầu bầu cùng Chúa, cho anh chị em và
gia đình, nhất là các vị chủ chăn luôn được bình an và tinh thần mới trong Đức
Kitô.
Lm. Antôn Phạm Trọng Quang, SVD
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét