Hành Trang Người Gieo Giống
Mùa hè là mùa của lễ
khấn và lễ truyền chức trong giáo hội. Riêng trong gia tộc của tôi mùa hè năm nay
rất vinh dự có bốn sơ, hai thầy khấn lần đầu, một sơ và hai thầy khấn trọn đời trong các dòng Đa Minh, dòng Nữ Tỳ Chúa Thánh Linh, dòng Đồng Công, dòng Xitô, dòng MTG và dòng Don Bosco. Niềm
vui và hạnh phúc sẽ tràn ngập trên khuôn mặt các tu sĩ, vì sau nhiều năm đào tạo,
họ được trở nên những người gieo giống trong cánh đồng truyền giáo của giáo hội.
Đặc biệt sau ngày lễ khấn dòng hay sau thánh lễ truyền chức các tu sĩ sẽ được gửi
đến nhiều lãnh vực khác nhau để bắt đầu sứ truyền giáo của họ.
Vâng, niềm vui và hạnh của của người tu sĩ là được sai đi, đi gieo hạt giống. Họ gieo
hạt giống lời Chúa khắp mọi nơi. Nhưng thành quả trong công việc gieo giống của
họ rồi sẽ không giống nhau. Điều này được Chúa Giêsu lý giải bằng dụ ngôn được
ghi chép lại trong Tin Mừng của thánh Mathêu. Chúa nói “Có người ra đi gieo giống,
trong
khi gieo, có hạt rơi xuống vệ đường, chim trời bay đến ăn mất. Có hạt rơi xuống
trên đá sỏi, chỗ có ít đất, nó liền mọc lên, vì không có nhiều đất. Khi mặt trời
mọc lên, bị nắng gắt, và vì không đâm rễ sâu, nên liền khô héo. Có hạt rơi vào
bụi gai, gai mọc um tùm, nên nó chết nghẹt. Có hạt rơi xuống đất tốt và sinh
hoa kết quả, có hạt được một trăm, có hạt sáu mươi, có hạt ba mươi.” (Mt 13, 3-8)
Theo lý giải của Chúa
Giêsu, khi lời Chúa được gieo xuống vệ đường, tức là những ai nghe lời Chúa mà
không hiểu thì sẽ bị quỷ dữ cướp lấy đi. Trường hợp thứ hai, khi Lời Chúa được
gieo trên đá sỏi, đó là người nghe lời giảng, thì tức khắc vui lòng chấp nhận,
nhưng không đâm rễ sâu trong lòng, mà vì họ nông nổi nhất thời, nên không khi gặp
khó khăn gian truân thì họ lập tức vấp ngã mà quên mất Lời Chúa. Tiếp đến, hạt
rơi vào bụi gai, là kẻ nghe lời giảng, nhưng vì lòng họ lo lắng việc đời, ham
mê của cải, khiến lời giảng này bị chết nghẹt mà không sinh hoa kết quả được.
Cuối cùng, hạt gieo trên đất tốt, là ai nghe lời Chúa mà hiểu được, nên sinh
hoa kết trái, thậm chí còn có kết quả dồi dào. (xem Mt 13, 18-23)
Thật vậy, các linh mục
và tu sĩ khi được sai đi loan báo Lời Chúa thì ai nấy đều hồ hởi và quyết tâm, nhưng
trong thực tế nhiều lúc việc rao giảng của họ không phải bao giờ cũng được như
ý muốn. Thậm chí có nhiều lúc họ thất bại nặng nề, vì thế chúng ta hy vọng
trong quá trình gieo hạt giống Lời Chúa, người tu sĩ nên chuẩn bị những tinh thần
cần thiết sau:
1.
Tinh thần hăng say
Đã là người gieo giống thì các tu sĩ cần phải đi gieo một cách quảng đại và
đầy hào phóng, đã là gieo giống thì chỗ nào cũng có thể gieo, tích cực gieo mà
không hối tiếc. Giống như ánh sáng mặt trời luôn chiếu sáng cho người công
chính cũng như người bất lương. Như mưa đổ xuống trên ruộng người lành cũng như
người dữ. Đã đi gieo giống thì thì không chỉ có gieo trên thuở tốt mà thôi, nhưng
cứ gieo cả nơi sỏi đá, bên vệ đường và cả bụi gai. Quả thật, điều này không phải
vì người tu sĩ thiếu sự hiểu biết hay không tôn trọng hạt giống Lời Chúa, nhưng
nói lên tinh thần hăng say, cần mẫn và không tính toán thiệt hơn của họ. Khi đã
khấn hứa và quyết tâm dâng hiến đời mình cho Chúa rồi, thì người tu sĩ quyết dành
hết thời gian, kiến thức và sức khỏe để đi khắp mọi nơi reo giảng lời Chúa mà
không mỏi mệt.
2.
Thái độ khiêm nhường.
Ngoài tinh thần hăng say trong công việc gieo hạt giống Lời Chúa, thì người
rao gieo hạt giống Lời Chúa cần học được tinh thần khiêm nhường. Vì khi chúng ta
mới bắt đầu công việc rao giảng, nhất là khi chúng ta mới được thọ giáo nhiều
kiến thức về tu đức và thần học từ các nhà dòng hay chủng viện, thì ta luôn rao
giảng một cách hùng hồn; hơn nữa khi có người sẵn sàng lắng nghe chúng ta, thì
ta tưởng rằng mình đã thành công. Tuy nhiên, vì tuổi đời của chúng ta còn non
trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm sống để thuyết phục lòng người thì lời giảng của
chúng ta có lúc trở nên trống rỗng. Như thế niềm tin của giáo dân vào lời giảng
của ta ắt hẳn sẽ suy giảm dần đi, chẳng khác nào hạt giống rơi vào vệ đường hoặc
rơi trên sỏi đá, cây mọc lên nhưng vì thiếu nước nên cây dần chết đi. Vì thế, trong
bất kỳ hoàn cảnh nào người tu sĩ luôn biết khiêm tốn trong lời mình rao giảng.
3.
Và lòng trung thành.
Khi người tu sĩ gặp phải sự khó khăn và thử thách thì chắc chắn dễ nản
lòng, thậm chí tìm cách bỏ cuộc, vì thế họ luôn phải nhắc nhớ chính mình rằng,
cần phải kiên tâm trong sứ vụ rao giảng của mình. Người tu sĩ đừng để mình thất
vọng về những thất bại lúc hiện tại nhưng biết kiên tâm trông chờ và hy vọng vào
một tương lai tươi sáng. Vì không ai hoàn toàn là kẻ “bên lề đường”, “sỏi đá”,
hay “bụi gai”, nhưng có lúc sẽ họ trở
nên “mảnh đất tốt” nếu người gieo giống biết chăm chút, để nơi mảnh đất ấy, hạt
giống Lời Chúa sẽ được mọc lên, sinh hoa kết trái. Nói cách khác, không ai luôn
tìm cách từ chối lời rao giảng của các tu sĩ, nhưng khi người tu sĩ biết kiên
trì trong sứ vụ rao giảng của mình thì dần dần người nghe sẽ bị thuyết phục, họ
sẽ sẵn sàng lắng nghe và tiếp nhận Lời Chúa.
Xin cho các tu sĩ trong Giáo Hội luôn biết nhiệt thành và hăng say trong việc
rao giảng của mình. Đặc biệt, xin cho họ luôn trung thành với sứ vụ rao giảng mà
Chúa đã trao phó, để họ vượt qua mọi nghịch cảnh, họ và để công việc rao giảng
của họ trở nên hữu ích cho nhiều người.
Mùa hè 2020
Lm. Antôn Phạm Trọng Quang, SVD
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét