9.8.20

BỎ LẠI SAU LƯNG KHÔNG GIAN HOÀNH TRÁNG

 BỎ LẠI SAU LƯNG KHÔNG GIAN HOÀNH TRÁNG

Mt. 14, 22-33
Linh mục Antôn Phạm Trọng Quang, SVD

D

Theo lời tường thuật của Thánh Matthêu, sau khi thực hiện phép lạ hóa bánh cho năm ngàn người đàn ông chưa kể phụ nữ và trẻ em ăn no nê, thì Chúa Giêsu bắt các môn đệ lên thuyền mà sang bờ bên kia. Một tình huống thật bất ngờ khi các ông đang vui sướng tận hưởng những giây phút thật hoành tráng và đầy danh dự, thì họ buộc phải chấm dứt cuộc vui và rời nơi đó ngay trong đêm tối. Tình huống càng căng thẳng, theo thánh Matthêu, khi chỉ có các ông lên thuyền mà không có sự hiện diện của Chúa Giêsu, vì Ngài đang cầu nguyện một mình trên núi. Trong đêm khuya thanh vắng, thuyền của họ lênh đênh trên mặt biển, hơn nữa thuyền lại gặp gió lớn nên họ bắt đầu bất an và sợ hãi.
Cuộc đời chúng ta nhiều lúc cũng thường chứng kiến những thay đổi bất ngờ như vậy mặc dầu chúng ta không muốn chút nào. Dĩ nhiên, chúng ta ai cũng muốn kéo dài cuộc vui nhưng nhiều lúc chúng ta vẫn thường phải yêu cầu “xuống thuyền ngay và sang bờ bên kia” như các môn đệ của Chúa Giêsu. Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao Chúa lại ra lệnh cho các ông đi ngay như vậy? Theo các nhà lý giải Kinh Thánh, đó là vì Chúa không muốn để các ông sống trong một cảm giác hoang tưởng về một hình ảnh vinh hoa theo cái nhìn của trần thế. Chúa muốn cho các ông lánh xa sự hoành tráng, và ý thức được rằng theo Chúa là phải vác thập giá mỗi ngày mà theo. Bước theo chân Đức Kitô, trở thành tông đồ của Ngài là để phục vụ chứ không phải để được người ta ca tụng.
Tôi nhớ lại, ngày tôi chịu chức, thánh lễ hôm đó có sự hiện diện của hàng trăm linh mục và hàng ngàn giáo giáo dân. Theo thói quen của giáo hội Đài Loan, sau thánh lễ mọi người được mời vào dự tiệc còn tân linh mục thì đứng trong nhà thờ đặt tay cho dòng người xếp hàng để nhận phúc lành của Chúa từ tay tân linh mục. Cảm giác hôm đó thật hạnh phúc, vì tôi là nhân vật chính trong ngày lễ truyền chức, vì tôi nhận được nhiều lời chúc mừng, cũng như nhiều món quà từ người thân và bạn bè. Nhưng chỉ sau vài giờ, mọi người ai nấy về nhà mình. Rồi tôi cũng trở về nhà dòng với một cơ thể mệt lả, nhất là cảm thấy một nỗi cô đơn và trống vắng rất lạ lùng. Cuộc vui sao chấm dứt sớm thế?
MA KÌA
Thánh Matthêu cho chúng ta thấy rằng, khi con thuyền của các môn đệ bị sóng gió trồng trềnh, họ kêu thét lên. Thậm chí khi Chúa Giêsu, người thầy của họ tiến lại gần, mà họ còn la lên “ma kìa” (Mt. 14, 26). Tôi cảm thấy đời sống linh mục của mình thường gặp nhiều tình huống bấp bênh như vậy. Những khát vọng thực hiện các chương trình truyền giáo, những ước mong truyền đạt những kiến thức Kinh Thánh và giáo lý cho người khác nhiều lúc đã trở nên thật hão huyền, thậm chí nó trở nên một thứ “mùi” đắc thắng, trái ngược với lý tưởng của Đức Giêsu. Thực ra khi tôi cố gắng làm việc bằng chính khả năng và sức lực của tôi, điều đó chẳng có gì sai. Nhưng khi tôi dành quá nhiều thời gian cho công việc, ắt hẳn tôi không chú trọng đến thời gian cầu nguyện và nghỉ ngơi. Và khi đời sống truyền giáo của tôi thiếu vắng Thiên Chúa thì đời sống ấy đã gặp biết bao nhiêu gian nan và thử thách. Bởi thế bao toan tính, bao tham vọng này của tôi có lúc đã đi ngược với bản chất và sứ mạng đích thật của Hội Thánh.
ĐỪNG SỢ
Thánh Matthêu kể tiếp, khi thấy các môn đệ lo lắng và sợ hãi như vậy, thì Chúa mới bảo họ rằng, “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, Đừng sợ” (Mt. 14, 27). Thật là hạnh phúc cho các tông đồ, trong cơn hốt hoảng thì họ được nghe thấy tiếng trấn an của thầy mình. Chính vì thế mà họ đã lấy lại bình tĩnh, và nỗi sợ đã tan biến khỏi họ. Cuộc sống của chúng ta cũng thật kỳ diệu, không chỉ có những ai sống đời sống thánh hiến, mà cả những ai sống trong đời sống hôn nhân hay độc thân, nhiều lúc chúng ta gặp rất nhiều khó khăn và thử thách, tưởng chừng như chúng ta không thể vượt qua nổi, thậm chí phải bỏ cuộc. Nhưng Thiên Chúa luôn hiện diện bên chúng ta: Ngài dùng người này người nọ để đồng hành, động viên và hướng dẫn chúng ta vượt qua những khó khăn đó. Để rồi những khó khăn và thách đố đó không làm cho chúng ta gục ngã, nhưng lại giúp chúng ta trưởng thành hơn, nhất là càng khiến chúng ta tin tưởng vào Chúa nhiều hơn.
XIN CỨU CON
Một chi tiết nữa rất đáng chú ý trong đoạn tường thuật của thánh Matthêu, đó là khi thánh Phêrô xin Chúa cho ông được đi trên biển mà đến với Ngài, thì Chúa cho ông được như điều ông mong ước. Nhưng vì một chút nghi ngờ, vì một giây phút thiếu đức tin mà ông đã chìm xuống khiến ông phải kêu lên: “Lạy Ngài, xin cứu tôi” (Mt. 14, 30). Lời kêu cứu của Phêrô thật khẩn thiết, là lời cầu nguyện nói lên cậy trông vào Chúa của Chúa Giêsu của ông, mặc dầu ông đã lỡ nghi ngờ. Bởi thế Chúa chỉ nhẹ nhàng quở trách ông là người kém lòng tên, đưa tay kéo ông lên rồi lên thuyền cùng các ông. Thật lạ lùng, sau khi Ngài lên thuyền thì gió yên biển lặng.
Thật vậy, những lời tường thuật của thánh Matthêu trong đoạn Tin Mừng hôm nay mang lại cho ta thật nhiều cảm Xúc thăng trầm. Qua lời tường thuật này, cho chúng ta thấy những thay đổi về cảm xúc và lòng tin của các tông đồ, từ cảm giác sung sướng như trong mơ rồi bị kéo xuống vực sâu. Điều đáng học hỏi ở đây, đó là trong gian nguy thử thách, các ngài đã nhận ra sự yếu đuối của mình và họ đã được Chúa phục hồi niềm tin và tìm được sự bình an.
Điều đã xảy đến cho các tông đồ, cũng mãi là kiểu mẫu và gương soi cho mọi chúng ta. Vì cuộc đời chúng ta không phải lúc nào cũng “hoành tráng”, nhưng thường có những chuỗi ngày thử thách gian truân. May mắn thay chúng ta có niềm tin tôn giáo, chúng ta có Chúa, nên khi gặp phong ba bão táp, chúng ta biết cậy dựa vào Chúa để vượt thắng những thử thách nguy biến đó. Thật thế, chúng ta sẽ chẳng bao giờ đắm chìm, mất hút trong giòng lịch sử, với điều kiện phải cương quyết giữ vững đức tin. Vì, “nếu không gắn bó với Ta, các ngươi sẽ chẳng đứng vững được” (Is 7, 9).
Xin cho mọi người chúng ta luôn biết gắn bó với Chúa. Trong lúc gặp khó khăn hãy học nơi thánh Phêrô mà thưa với Chúa rằng, “Lạy Chúa xin cứu con,” chắc chắn Chúa sẽ trả lời chúng ta: “Hãy yên tâm, Thầy đây, đừng sợ!” Hãy luôn biết cầu xin Chúa “lên thuyền” với chúng ta, ở lại với chúng ta, để đời sống chúng ta tránh được phong ba bão táp và tìm được bình yên. Như thế, thử thách, khổ đau, thất bại không vùi dập hay nhấn chìm chúng ta, mà chỉ là những lời cảnh tỉnh và thanh luyện niềm tin cho chúng ta.

Không có nhận xét nào:

Sứ Vụ Truyền Giáo: Lời Cam Kết Của Thành Viên Phong Trào Cursillo

  Sứ Vụ Truyền Giáo: Lời Cam Kết Của Thành Viên Phong Trào Cu rsillo   1.       Dẫn nhập Buổi chiều ngày cuối cùng khóa “khóa ba ngà...