30.4.21

COVID-19 VACCINES VÀ VẤN ĐỀ LUÂN LÝ LIÊN QUAN NÊN BIẾT

 

(Hình sưu tầm)

COVID-19 VACCINES VÀ VẤN ĐỀ LUÂN LÝ LIÊN QUAN NÊN BIẾT

Covid-19 làm đảo lộn cuộc sống của chúng ta. Covid-19 lấy đi cuộc sống yên bình của toàn thể nhân loại. Nhưng covid-19 khiến chúng ta phải nhìn lại thái độ sống, hành vi cũng như cách cư xử của mình đối với mọi người xung quanh. Covid-9 thậm chí khiến ta phải tự chất vấn lương tâm, có nên ở nhà hay đi ra phố vui chơi, có nên đeo khẩu trang, giữ giãn cách xã hội khi ra đường, có nên đến nhà thờ tham dự thánh lễ hay ở nhà xem lễ trực tuyến, có nên tiêm chủng vaccine hay từ chối vì nhiều lý do?

Vấn đề hôm nay không còn “nên hay không nên” mà chúng ta “phải” làm thế này, làm thế kia, ví dụ phải đeo khẩu trang những nơi công cộng, phải giữa giản cách xã hội và nhiều điều phải làm khác. Nhiều nơi trên thế giới những điều này đã trở nên luật bắt buộc, mọi người phải tuân theo. Tuy nhiên, có nhiều điều chưa được chính phủ đặt thành luật cho nên bắt buộc luật lương tâm chúng ta phải “tự phán xét” và tự tìm ra câu trả lời cho mình, cụ thể nhất gần đây ở Mỹ và nhiều quốc gia Châu Âu, nhiều người đặt câu hỏi: “nên hay không nên chích ngừa vaccine phòng covid-19?”

Dĩ nhiên, đại đa số ai cũng muốn được chích ngừa, thậm chí còn muốn được ưu tiên chích ngừa trước người khác. Ngược lại, vì lý do sức khỏe hoặc vì lý do cá nhân, có nhiều người từ chối chích ngừa. Riêng với người lựa chọn chích vaccine chống covid-19, gần đây trên các phương tiện truyền thông chúng ta thường chia sẻ thông tin đã tiêm vaccine covid-19 liều một, liều hai, hay chỉ chích một liều duy nhất là đủ tùy vào loại vaccine được chọn. Có nhiều người còn dán lên áo miếng giấy “I got my covid-19 vaccine”, tạm dịch là “tôi đã chích vaccine covid-19.” Việc chia sẻ thông tin này có vẻ đã trở thành “mốt,” thậm chí còn rất “sốt” của người dùng facebook, twitter, instagram hay các phương tiện truyền thông khác.

Điều đặc biệt ở Mỹ và nhiều nước Châu Âu, sau khi được chích vaccine, chúng ta được nhận một miếng giấy chứng nhận, trên đó có ghi tên, ngày-tháng-năm sinh, tên vaccine, mã số đăng ký, nơi và ngày chích vaccine.... Miếng giấy này được gọi là “hộ chiếu vaccine” (vaccine passport). Thật là thú vị. Tuy nhiên nó cũng trở nên một đề tài chính trị và thậm chí liên quan đến vấn đề luân lý nữa. Vì nhiều nơi chính phủ đã đưa ra quy định, ai có “hộ chiếu vaccine” mới được lên máy bay, mới được đi tàu, đi xe bus, vào nhà hàng và nhiều nơi công cộng khác. Mục đích của chính phủ các nước là buộc người dân phải chích vaccine nhằm ngăn ngừa bệnh dịch tiếp tục lây lan. Nhưng hình thức này đã tạo nên nhiều sự phản đối gay gắt, vì người phản đối cho rằng họ bị phân biệt và đối xử bất công.  Vì, trên thực tế, những người giàu, những người có cơ thể khỏe mạnh mới được nhận vaccine, còn người nghèo, những người da màu, người không có địa vị thì phải chờ rất lâu mới đến lượt.  

Dẫu trong chúng ta, có nhiều người đã được chích ngừa vaccine, hoặc có nhiều người vì lý do sức khỏe hay vì những lý do cá nhân, chúng ta lựa chọn không chích ngừa. Tin tưởng rằng, cả hai lựa chọn đều rất khó khăn vì hậu của của việc lựa chọn có lúc không tránh khỏi được sự dằn vặt lương tâm và dị nghị của những người xung quanh. Vì thế, với tư cách là người nghiên cứu về luân lý Ki-tô Giáo, sau khi đọc một số tài liệu của Giáo Hội Công Giáo, tôi muốn chia sẻ một vài điều hết sức quan trọng, liên quan đến vaccines phòng covid-19, để mọi người cùng suy tư và có thái độ đúng đắn về vấn đề này.

Những thông tin này được tổng hợp từ bản hướng của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin về việc sử dụng vaccine covid-19, công bố ngày 21/12/2021; thư chung gửi cộng đồng dân Chúa của Tổng Giáo Phận Washington DC Hoa Kỳ, giải thích về vấn đề luân lý xung quanh việc sử dụng vaccine phòng covid-19, công bố ngày 11/12/2021; thông cáo của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ về các vấn đề luân lý khi sử dụng vaccine Johnson&Johnson, công bố ngày 02/03/2021; thư gửi giáo viên, nhân viên và sinh viên trường Đại Học Công Giáo Hoa Kỳ và nhiều bài viết liên quan khác. Nội dung gồm tóm trong năm điểm sau đây:

1.    Giáo Hội luôn khẳng định vai trò và thành tựu của khoa học, vì các nhà khoa học luôn nỗ lực nghiên cứu để tìm ra vaccines, nhằm giúp nhân loại chúng ta phòng ngừa các căn bệnh hiểm nghèo, trong đó có đại dịch covid-19 đã lây nhiễm cho hàng trăm triệu người và khiến hàng triệu người phải chết.

2.    Tuy nhiên, từ trước tới nay, vaccine và chích ngừa vaccine là một chủ đề có nhiều tranh cãi, nhất là trong giới khoa học, triết học, luân lý học và thần học. Vì đa số các loại vaccine ít nhiều có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến các tế bào cơ thể con người, các tế bào này đa số được lấy từ cơ thể các em bé bị phá thai.

3.     Giáo Hội Công Giáo chúng ta luôn tôn trọng sự sống của con người. Sự sống bắt đầu từ lúc thụ thai cho tới khi chết cách tự nhiên. Vì thế Giáo Hội không đồng ý với việc phá thai và các hình thức tước đoạt sự sống con người. Giáo Hội không ủng hộ các nhà khoa học lấy các dòng tế bào từ cơ thể thai nhi để chế tạo vaccine.

4.     Tuy nhiên, trước sự nguy hiểm của đại dịch, hơn nữa hiện tại chưa có vaccine nào khác thay thế, cho nên Giáo Hội cho phép chúng ta tiêm chủng các loại vaccine phòng ngừa covid-19. Đặc biệt, chích ngừa vaccine có tác dụng bảo vệ sức khỏe cho chính mình và để bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng. Đối với Giáo Hội Hoa Kỳ, đa số các Giáo Phận đều khuyên chúng ta lựa chọn vaccine Pfizer Moderna, và tránh các loại vaccine khác, vì Giáo Hội cho rằng, các dòng vaccine đó còn có nhiều tranh cãi gay gắt về lĩnh vực luân lý.

5.     Với ý kiến cá nhân, thiết nghĩ, sau khi chích vaccine phòng covid-19, chúng ta không nên vui mừng thái quá để “thông báo” về sự “may mắn” của mình, rằng “tôi đã chích vaccine.” Việc chúng ta lựa chọn tiêm vaccine covid-19 trong giai đoạn này thì rất đáng khích lệ. Tuy nhiên chúng ta cũng nên tôn trọng cảm xúc của những ai chưa đến lượt chích vaccine, những ai vì nhiều lý do không thể chích vaccine covid-19, những quốc gia và những dân tộc nghèo khổ không có điều kiện để tiêm vaccine. Hơn nữa, chúng ta cũng không nên bị lôi cuốn bởi các tư tưởng và suy nghĩ có tính chính trị và ý thức hệ, để rồi gây thêm nhiều chia rẽ và phân biệt trong cộng đồng.

Xin nhấn mạnh, chủ đề về vaccine luôn là đề tài nhạy cảm. Theo hiểu biết của người viết, vaccine chống covid-19 sẽ trở thành một đề tài hết sức phức tạp lan rộng cả thế giới. Bài viết này không nhằm mục đích tranh luận như nhiều người đang làm trong thời gian hiện tại, nhưng chỉ muốn truyền đạt một ít thông tin liên quan đến vấn đề luân lý dưới cái nhìn của Giáo Hội.

Dĩ nhiên, khi nói về luân lý, chúng ta thường chú trọng đến vấn đề đúng-sai, tốt-xấu..., nhưng bài viết này còn muốn mời gọi mọi người cần đề cao sự khiêm tốn, tình bác ái yêu thương và tôn trọng lẫn nhau. Thiết nghĩ, những ai nếu được chích vaccine covid-19 rồi, cũng chẳng cần đưa thông tin lên mạng xã hội làm gì, tốt nhất cần tỏ lòng biết ơn bằng cách sống chan hòa với mọi người, dấn thân nhiều hơn, có trách nhiệm hơn trong nỗ lực xây dựng và bảo vệ cộng đồng nơi mình đang sống. Hơn nữa hãy cầu nguyện cho các thai nhi, kiên quyết phản đối việc phá thai, cầu nguyện cho các nhà khoa học, để họ chóng tìm ra nhiều dòng vaccine khác vừa an toàn, vừa hợp với luân lý Ki-tô Giáo.

Xin kính chúc quý vị tiếp tục hưởng một Mùa Phục Sinh tràn đầy niềm vui và hạnh phúc.

 

Washington DC, ngày 30 tháng 4, năm 2021.

Linh mục Antôn Phạm Trọng Quang, SVD

10.4.21

BIẾT ƠN MỘT TÔMA ĐẦY CÁ TÍNH

 


BIẾT ƠN MỘT TÔMA ĐẦY CÁ TÍNH

Ga 20, 19-31

Thánh Tôma được dán cho cái mác là “người kém tin”. Khi Chúa hiện ra, ban bình an và tỏ cho họ biết Ngài đã sống lại, tất cả các tông đồ đều có mặt, còn ông Tôma không hiện diện nơi trong ngôi nhà được đóng kín. Do vậy, khi ông trở về, đồng bạn thuật lại sự kiện Chúa đã hiện ra với họ cho ông nghe, thì ông không tin, thậm chí còn gay gắt tuyên bố: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin” (Ga 20, 25). Do thái độ cứng rắn của thánh Tôma, khi Chúa hiện ra cho các ông một lần nữa, lần này Thánh Tôma có mặt ở đó, Ngài mới khiển trách ông là kẻ kém tin.

Nếu theo tường thuật của Tin Mừng, thì không ai chối cãi, Tôma là kẻ kém tin. Nhưng nếu nhìn vấn đề với thái độ thiện cảm hơn, hay nếu ta tìm hiểu nhiều hơn về thái đọ và cảm xúc của thánh Tôma xuất hiện trong các đoạn Tin Mừng khác, thì ta thấy ngài nói như vậy vì là ngài quá yêu mến Chúa và ước mong được gặp thấy Ngài. Ngài nói lời gay gắt với anh em mình chắc chắn vì ngài cảm thấy tiếc nuối cho cái số xui xẻo không may của mình. Có thể thánh Tôma suy nghĩ rằng, tại sao Chúa không cho mình thấy dung mạo của Ngài cách trực tiếp mà lại phải nhờ lời tường thuật của các anh em? Làm sao các anh em được may mắn hơn mình? Bao nhiêu câu hỏi xảy ra trong đầu của ngài khi nghe anh em nói một tin “động trời” là Thầy mình đã phục sinh. Phải chăng ngài đang “ghen tỵ” với các anh em khác?

Điều này cũng dễ hiểu, chẳng hạn khi chúng ta ngưỡng mộ một nhân vật nổi tiếng nào đó, hay khi chúng ta muốn gặp một ai mà lâu nay ta thường mong muốn, bỗng nhiên có người nói nhân vật này vừa ở đây, mới rời khỏi nơi này trong chốc lát. Nếu lúc chúng ta không có mặt đó thì làm sao chúng ta dám tin. Một ví dụ khác, chẳng hạn nếu có ai đó nói rằng hôm qua Đức Giáo Hoàng Phanxicô vừa thăm Việt Nam, họ được gặp và bắt tay với ngài. Làm sao chúng ta tin được tin này, vì Đức Giáo Hoàng thăm Việt Nam lúc này là chuyện khó có thể. Đối với Tôma, việc Chúa hiện ra cho các ông lại càng khó tin hơn, vì Chúa đã báo trước Ngài sẽ Phục sinh và sống lại nhưng sống lại như thế nào từ trước tới nay các ông chưa hề hay biết, hơn nữa nếu Ngài sống lại thì tại sao Ngài không ở lại với các môn đệ lâu hơn mà chỉ hiện ra trong chớp nhoáng?

Nếu lúc đó thánh Tôma tin thì ngài cũng có quyền nghĩ rằng tại sao Thầy mình lại đối xử với mình không công bằng như thế? Tại sao lại không để cho ngài được thấy như các tông đồ khác? Thánh Tôma có quyền suy nghĩ như thế, vì ngài là người rất trung thành và có lòng yêu mến Thầy mình. Kinh thánh có đoạn viết, khi Đức Giêsu muốn vào miền Giuda để chữa cho ông Lazaro sống lại, các tông đồ biết nếu Chúa vào nơi đó sẽ gặp nhiều nguy hiểm, họ biết người Do thái đang tìm cách hại Chúa, họ biết nếu Chúa đi vào đó khác gì tự nộp mạng cho kẻ thù. Vì thế ai nấy đều ngăn cản không muốn Chúa đi vào, trong khi đó, với lòng trung thành và sự dũng cảm, thánh Tôma quả quyết: “Nào chúng ta cũng vào thành để chịu chết với Thầy” (Ga 11: 16).

thể nói, Tôma là một người rất có cá tính, nên trả lời thẳng thắn với các anh em, “nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin” (Ga 20, 25). Lời này quả thực một lời thề tốt hay như một thách thức đối với Thầy mình. Tuy nhiên, Chúa biết rõ tâm can của Tôma, Chúa biết rõ ngài là người có lòng ao ước được tận mắt thấy Chúa Phục sinh, nên sau đó tám ngày, khi có mặt đầy đủ các tông đồ thì Chúa hiện ra với họ. Quả thật, khi thấy Chúa, khi Chúa đưa tay, chân và cạnh sườn cho Tôma thấy thì ngài đã thốt lên: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con” (Ga 20, 28). Một tình huống “rất Tôma”, nếu trước đây ngài “cứng tin” chừng nào thì bây giờ ngài tỏ ra mạnh mẽ và tôn phục Thầy mình hơn ai hết. Đúng là một người dám sống dám chết, dám nói dám làm, dám hận dám yêu.

Nói cách công bằng, nếu cho rằng, trong lần thứ hai khi Chúa hiện ra với các môn đệ, Ngài trách móc và bảo Tôma “đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin” (Lc 27), thì ta cũng phải công nhận rằng nhờ thánh Tôma mà chúng ta mới dám tin. Chúng ta phải biết ơn về thái độ cương quyết của ngài, vì nhờ câu nói của ngài mà Chúa đã trực tiếp dạy bảo: “Phúc cho ai không thấy mà tin” (Lc 20, 29). Lời dạy bảo này không chỉ còn dành cho thánh Tôma nhưng dành cho mọi người chúng ta, vì bằng con mắt thịt, chúng ta chưa thấy Chúa bao giờ, phải nhờ con mắt đức tin chúng ta tin rằng Chúa đã phục sinh; Ngài đã được Chúa đưa về trời, ngự bên hữu Đức Chúa Cha, và luôn ban ơn lành cho chúng ta.

Quả thật, phúc cho chúng ta, vì chưa bao giờ chúng ta thấy Chúa nhưng chúng ta đã tin Chúa từ rất lâu, tin cả hàng chục năm và hứa trung thành, nhất quyết không từ chối Chúa bao giờ. Phúc cho chúng ta, khi sống trong thời đại khoa học kỷ thuật con người chỉ biết đi tìm thỏa mạn vật chất và bỏ quên đời sống tinh thần, khi nhiều người dùng khoa học để bác bỏ đức tin, nhưng chúng ta vẫn một mực tin tưởng vào Chúa là Chúa của lòng thương xót. Hạnh phúc lắm thay! Có được hạnh phúc lớn lao thế này, chúng ta càng biết ơn một thánh Tôma đầy cá tính và một mực trung thành.

Xin cho mỗi chúng ta, biết sống khiêm nhường, nghiêng mình trước tạo vật vì biết đó là sản phẩm do bàn tay Thiên Chúa tạo dựng nên. Xin cho chúng ta luôn sẵn sàng mở rộng con tim để đón Chúa ngự vào tâm hồn chúng ta, để Ngài đổ đầy niềm vui Phục sinh cho chúng ta. Và xin cho chúng ta, biết mở rộng con mắt đức tin để thấy được Thiên Chúa hiện diện nơi tạo vật, nơi mọi anh chị em và trong mọi sự.

Linh mục Antôn Phạm Trọng Quang, SVD

3.4.21

ĐƯỢC GẶP CHÚA, PHẦN THƯỞNG CHO NHỮNG AI BỀN ĐỘ ĐẾN CÙNG

 


(Ga 20, 1-20)

Kinh Thánh kể lại rằng, sau khi sống lại, người đầu tiên được Chúa Giêsu hiện ra, đó là bà Maria Madalêna. Mỗi tác giả Tin Mừng có một cách tường thuật khác nhau, nhưng tất cả đều có một điểm chúng, đó là miêu tả một hình ảnh bà Maria Madalena có một lòng yêu mến Chúa khi Ngài còn sống,bền bỉ chờ điều gì xảy ra sau khi thân xác Chúa được mai táng trong mồ. Nhờ sự kiên trì đó, cuối cùng bà đã được toại nguyện, được nhìn thấy Chúa và được giao cho sứ vụ loan báo Tin Mừng phục sinh

Theo truyền thống, ta thường nghe nhiều giải thích cho rằng Đức Giêsu hiện ra cho người phụ nữ này, vì Ngài biết phụ nữ thường khó giữ được bí mật, chỉ cần nghe biết một thông tin nào họ lập tức sẽ nói cho người khác biết ngay. Điều này nghe rất hợp lý, nhưng có vẻ hơi hạ thấp danh giá của phụ nữ, và được hiểu rằng phụ nữ toàn là đối tượng “lắm chuyện”.

Tuy nhiên, qua lăng kính của các tác giả Tin Mừng, trong suốt thời gian xác Chúa được chôn cất trong mồ, ai nấy đều sợ hãi không dám xuất đầu lộ diện, chỉ có bà Madalena vẫn âm thầm ra mồ chờ xem một tin vui như lời Chúa đã hứa khi xưa. Quả thật Chúa đã cho bà thấy Ngài đã sống lại, bà đã trở thành người đầu tiên loan báo Tin Mừng phục sinh của Ngài. Các thần học gia hiện đại lý giải thêm, nếu Chúa hiện ra với nam giới không chắc họ đã tin và sẵn sàng hối hả chạy đi để tường thuật điều đã xảy ra cho các môn đệ. Tôi thích lối giải thích này, vì nó nói lên được ưu điểm, vai trò, phẩm giá và địa vị của phụ nữ trong xã hội, trong Giáo Hội, nhất là trong sứ vụ loan báo Tin Mừng.

Trở lại với hình ảnh của bà Madalena, rất dễ dàng nhìn thấy, bà là người có một tinh thần gắn bó và tìm kiếm Chúa hết sức bền bỉ. Thánh Kinh cho ta thấy bà chính là người được Chúa chữa cho khỏi bảy quỷ ám và sau đó bà đã theo chân Chúa một cách sát sao. Thánh Kinh cho ta thêm thông tin, khi Chúa Giêsu bị bắt, bị giải đi đóng đanh và khi Ngài bị treo trên thập giá thì có mấy người phụ nữ đứng gần thập giá Chúa, trong đó có Đức Mẹ và bà Maria Madalena (Ga 19, 25). Đến khi xác của Ngài được hạ xuống và chôn cất trong mồ thì bà Madalena còn ở lại đó mà khóc lóc thảm thương (Mt 27, 6).

Người bà thương mến đã không còn nữa và thân xác Ngài đã được mai táng trong mồ. Trước cảnh tượng đó, bà rất đau lòng, ngày đêm khóc lóc và thương nhớ Ngài. Những ngày ấy chắc chắn bà không ăn, không ngủ và bồi hồi đợi chờ Thiên Chúa phục sinh, hay ít nhất bà muốn thấy điều gì sẽ xảy ra, vì hôm ấy đã ngày thứ 3 sau khi Đức Giêsu chịu chết. Bà và mấy người bạn mới ra mồ từ sáng sớm, vừa để được nhìn thấy Chúa, vừa để được chính mắt thấy điều kỳ diệu của Thiên Chúa, vì chính Ngài đã hứa trước kia với họ.

Nhưng tiếc thay khi họ đến thì cửa mồ đã bị mở toang, người mà họ thương mến không còn nữa, chỉ thấy mấy miếng vải dùng để lượm xác còn đặt trong mồ. Nỗi buồn lại càng buồn thêm, lần này thực sự đã đưa đến cho bà Madalena và các bạn sự hoang mang, không những không thấy điều kỳ diệu của Thiên Chúa mà ngay cả thân xác được chôn cất ngay trong nấm mồ này cũng không còn nữa. Các bà lại than khóc...

Họ vừa đau buồn, hoang mang và sợ hãi liền hối hả chạy về báo tin cho các môn đệ. Khi các môn đệ đến mồ thấy cảnh tượng xảy ra như các bà vừa nói. Họ cũng không tránh khỏi sự hoang mang, chẳng hiểu chuyện gì đã xảy ra, và họ đã trở về nhà trong vô vọng.

Điều đáng được nhấn mạnh ở đây, đó là sau khi không thấy xác của Thầy mình nữa thì các môn đệ trở về nhà, còn bà Maria Madalena thì không đành lòng, “bà đứng ở ngoài, gần bên mộ, mà khóc” (Ga 20: 11). Đúng là một sự kiên nhẫn khiến ai nấy phải kính phục, cho dù ai có tuyệt vọng, cho dù những môn đệ, những kẻ thân cận của Đức Giêsu có rời khỏi Thầy mình đi chăng nữa, thì bà Maria Madalena vẫn một mực kiên tâm đợi chờ. Tâm hồn bà mòn mỏi ước mong, tình huống có vẻ rất vô vọng, có vẻ không khả quan chút nào, không phải là bà đang trong cảnh mơ màng mà ai cũng biết sự thật là xác Đức Giêsu không còn đó nữa. Nhưng bà Maria Madalena vẫn cứ đợi, bà nhất quyết không bỏ cuộc tin chắc sẽ có điều gì khả quan hơn. Vì thế, “bà vừa khóc vừa cúi xuống nhìn vào trong mồ” (Ga 20:12).

Một hành động mà chúng ta thường thấy khingười thân chúng ta qua đời, khi thân xác của họ đã được đưa đi an táng, nhưng chúng ta vẫn lặng lẽ ngắm nhìn chiếc giường, chiếc ghế hay nơi mà ngày thường người thân chúng ta thường ở đó. Trong lúc nước mắt của bà Maria Madalena đang đầm đìa, bà nhìn vào mộ, thấy 2 vị thiên thần ngồi đó và họ bắt đầu trò chuyện với bà.

Thiên thần hỏi: Này bà, sao bà khóc?” (Ga 20, 15). Maria thưa: “Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Chúa ở đâu!” (Ga 20, 15).

Nếu theo cách tường thuật của Gioan thì thiên thần vẫn không báo cho bà Maria về sự kiện Chúa đã phục sinh, nhưng ít ra cũng cho chúng ta thấy được bà Maria coi Chúa như là vị thầy, vị Chúa của mình chứ không giống như có người lý giải rằng giữa Chúa Giêsu và bà Maria có một tình cảm nam nữ.

Sau khi nói chuyện với thiên thần, như một linh cảm, bà quay mặt lại, thì nhìn thấy Đức Giêsu đứng đó. Nhưng vì bà đã khóc quá nhiều, vì nước mắt hãy còn đầm đìa khiến bà nhìn không rõ, hoặc thân xác Chúa Giêsu sau khi sống lại đã thay đổi, khiến bà không nhận ra Thầy mình, vì thế bà đã tưởng rằng đấy là một người làm vườn. Nhưng lúc này đúng là lúc sự bền bỉ tìm kiếm của bà được đền đáp. Lúc này đây là lúc lòng mến được lấp đầy, lúc này đây là lúc nỗi đau mất mát của bà được “chữa lành”. Đức Giêsu gọi chính tên bà “M-a-ri-a” (Ga 20, 16).

Một tiếng gọi thân thương như hồi nào Chúa đã dùng để gọi bà, một tiếng nói và âm thanh của Chúa thật là gần gũi để rồi khiến bà hết sức vui mừng mà chạy đến ôm chầm lấy chân Thầy mình và kêu lên “Ráp-bu-ni” nghĩa là “Lạy Thầy” (Ga 20,16). Một niềm vui không giống như một niềm vui bình thường để bà nhảy tưng lên và hét vang như các phụ nữ khác thường tỏ bày. Nhưng là một niềm vui đã trải qua nỗi đau lâu ngày, một niềm vui không dễ dàng được đổi bằng tiếng cười mà phải được tiếp tục bằng những tiếng nức nở dài sau đó. Bà không dám nhìn thẳng vào dung mạo của Thầy, mà sấp mình xuống dưới chân, trước là để tôn kính một vị thầy, sau nữa cũng là để dấu diếm những giọt nước mắt không ngừng rơi vì vui sướng.

Thử đặt lại câu hỏi tại sao bà Maria Madalena lại bền bỉ chờ đợi được như vậy để sau đó được Thiên Chúa tỏ mình ra, được Thầy Giêsu hiện ra báo hiệu sự Phục sinh của Ngài? Sự bền chí không chỉ để tin tưởng vào một điều gì đó sẽ xảy ra trong tương lai, đôi khi nó còn là những kết quả của những kinh nghiệm trong quá khứ. Bà Maria Madalena đã bền bỉ chờ đợi giây phút được nhìn thấy Chúa trong vinh quang, vì trong quá khứ bà được Chúa yêu thương và chữa lành. Trong tâm thức của bà, Đức Giêsu là một vị Thiên Chúa nhân từ bênh vực cho bà và dạy bảo bà “hãy đi và đừng phạm tội nữa” (Ga 8, 11).

Quả vậy, một con người đã bị thần lực ma quỷ thống trị, khiến ai nấy đều ghét bỏ và đòi ném đá cho đến chết. Một tình trạng tưởng chừng như không bao giờ được coi là một con người nhưng nhờ vào lòng nhân từ và tha thứ của Chúa Giêsu, mà cuộc đời của bà Maria Madalena đã được thay đổi hoàn toàn. Nhờ vào sự tin tưởng của Chúa Giêsu bà đã được trở lại làm người, giống như mọi người. Thật vậy, Chúa Giêsu đã trả lại cho bà tất cả: danh dự và phẩm giá của một con người.

Vâng, chỉ có Ngài mới có khả năng và mới sẵn sàng trả lại tự do cho bà, chỉ có tình yêu của Giêsu mới biến đổi được con người của bà. Qua Đức Giêsu bà đã trở nên một con người mới. Như thế, vì được đón nhận một phúc ân quá sức cao quý, chỉ có người đã nhận ra vị ban ân huệ đó cho mình là ai bà mới một mực quyết tâm tin tưởng gắn bó và một mực đợi chờ ngày vinh quang của Ngài.

Quả vậy, khi bà Maria Madalena nhận được niềm vui đó, bà hết sức vui mừng khi nhìn thấy Đấng xuất hiện trước mặt mình chính là Thầy Giêsu. Đấng mà bà yêu mến nay đã phục sinh, đối với bà đây là một niềm vui mừng không thế nào diễn tả. Hơn nữa, khi bà muốn ôm chầm lấy chân Chúa, thì Chúa lại phán với bà rằng: “Thôi, đừng giữ Thầy lại, hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, nên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của an hem” (Ga 20, 19).

Như thế, niềm vui của bà Maria Madalena phải là niềm vui của hết cả anh chị em. Tin Mừng bà được đón nhận, không chỉ để giữ lại cho riêng mình, nhưng bà đã hối hả đi loan báo cho anh em. Phần chúng ta, nhờ đức tin chúng ta cũng được đón nhận Tin Mừng phục sinh. Đây là một món quà hết sức có giá trị, là niềm vui quả thật lớn lao. Niềm vui đómón quà đó sẽ trọn vẹn hơn khi chúng ta biết sẵn sàng chia sẻ cho anh em. Đây cũng là sứ vụ loan báo Tin Mừng của mọi tín hữu và của Giáo Hội chúng ta.

Linh mục An tôn Phạm Trọng Quang, SVD


Bài đăng trên Vietcatholic news

http://www.vietcatholic.net/News/Html/267323.htm


Sứ Vụ Truyền Giáo: Lời Cam Kết Của Thành Viên Phong Trào Cursillo

  Sứ Vụ Truyền Giáo: Lời Cam Kết Của Thành Viên Phong Trào Cu rsillo   1.       Dẫn nhập Buổi chiều ngày cuối cùng khóa “khóa ba ngà...