3.4.21

TRÁI TIM NGƯỜI ĐÀN BÀ ĐỨNG BÊN THẬP GIÁ

 


(Ga 19: 17-37).

 

Bên thập giá Mẹ lặng thầm đứng đó,
Tim nát tan bởi gươm nhọn đâm thâu.
Nhưng tâm hồn dạt dào Ơn Thiên Phước
Lòng tỏ tường kế hoạch Chúa đang đi
Mẹ tri ân được Chúa chọn tham dự
Ave Maria, Mẹ là Mẹ chúng con.

 

Giờ mà Đức Giêsu được treo lên, giờ mà thân xác tàn dại của một vị vua được treo lên là lúc chứng kiến bao hậu quả tốt xấu, sự thật và ý nghĩa của biến cố Đức Giêsu bị treo lên bắt đầu được biểu lộ. Ai sẽ hiểu được điều gì sắp xảy ra, ai thấu hiểu được kế hoạch mà Thiên Chúa đang thực hiện?

Dưới chân thập giá có nhiều
người đang than khóc, có những người đang chiêm ngắm thân tàn của một vị Đức Chúa. Hai bên Đức Giêsu cùng bị đóng đinh có mặt hai tên trộm. Quân lính sau hơn một ngày sống trong cuồng dại cũng chuẩn bị thu xếp vũ khí để rút lui. Dân chúng hãy còn ít người cũng ở lại để chứng kiến một sự kiện chấn động cả trần gian. Tất cả những điều xảy ra lúc này đều được một người đàn bà “chứng kiến và ghi nhớ trong lòng để suy đi nghĩ lại” (Lc 2, 19).

 

Vâng, đứng dưới thập giá lúc này là Mẹ Maria, thánh Gioan và một số người phụ nữ khác. Trước thực trạng con mình bị đóng đinh trần truồng trên thập giá, hơi thở cuối cùng sắp đến, lúc này đã có người không ngừng nói lời nhục mạ cái tên Giêsu, đứa con thân yêu của Mẹ. Họ đay nghiến với Chúa Giêsu với những lời đầy thách thức: “Nếu ông đã cứu được người khác thì hãy cứu lấy mình đi”, hay “Nếu ông là vua dân Do thái, là con Thiên Chúa thì hãy xuống khỏi thập giá đi để chúng tôi tin” (Mt 27, 40). Than ôi ! Mẹ đã chứng kiến trận đòn ác liệt của con, tâm thần đau xót, và trước mặt mình là tấm thân tàn ma dại của người con. Như thế là đã đủ khổ nhục rồi, bây giờ lại còn phải nghe những lời thách thức, cố ý hạ nhục một đứa con thân yêu của mình. Mẹ đau khổ biết chừng nào! Quả thực, lời của ông già Simêon đã được ứng nghiệm, “một lưỡi gươm sẽ đâm thâu trái tim Mẹ” (Lc 2, 35).

 

Nhưng sự kiện Đức Kitô trên thập giá mang đến nhiều thái độ khác nhau. Ít nhất lời của cụ già Simeon ngày xưa nay cũng đã ứng nghiệm “Đứa trẻ này sẽ khiến nhiều người an ủi nhưng cũng là cớ cho nhiều người cấp ngã” (Lc 2, 34). Thật thế, tên trộm bị đóng đinh cùng Đức Giêsu đã nói lên điều này. Kẻ bên tả đã nhục mạ Đức Giêsu rằng: “Nếu ông là Đấng Mêsia thì tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi nữa” (Mt 27, 40). Những lời thách thức này Đức Mẹ đều nghe hết, nhưng Mẹ vẫn âm thầm không một lời phản bác, sự âm thầm không tiếng than van của Mẹ kéo dài suốt chặng đường khổ giá của con.

 

Trong giây phút âm thầm bên thánh giá, Mẹ cũng chứng kiến những lời tuyên xưng đức tin và thái độ khiêm tốn của người trậm lành khi anh đáp lại lời khiển trách của tên trộm dữ: “Chúng ta chịu thế này thì đích đáng, còn ông này có tội gì đâu” (Lc 23, 41). Hạnh phúc thay kẻ được hồng ân trở lại như người trộm lành này. Phúc thay ai có lòng ăn năn thành thật. Vâng, chính nhờ thế mà ông đã được “Thánh Thần thúc đẩy” mà mở lòng xin cùng Chúa Giêsu: “Ông Giêsu ơi, khi nào ông đến lần thứ hai, xin đừng quên tôi, nhớ đến tôi với” (Lc 23, 42).

 

Thiên Chúa yêu thương kẻ lòng thành, Thiên Chúa ban cho kẻ thật lòng ăn năn và cậy trông vào Ngài nhiều gấp bội, ơn của Ngài ban dồi dào hơn so với mức ta xin: “Hôm nay ngươi đã được ở trên thiên đàng với Ta” (23, 43).


Đức Maria mặc dầu trái tim bị đâm thâu nhưng tâm hồn Mẹ lại được tràn đầy ơn Thiên Chúa, Đức Mẹ bình tĩnh đón nhận tất cả, và từng bước từng bước khám phá những mầu nhiệm mà Thiên Chúa đang thực hiện, quan trọng nhất là Mẹ đã được Thiên Chúa mời cộng tác với chương trình
cứu độ của Ngài. Đức Giêsu cũng không thể quên ơn của Mẹ mình, không thể không đề cao vai trò của Mẹ mình trong việc dẫn dắt “những người tin” nên trong lúc hấp hối Ngài đã nói với Mẹ rằng: “Này Mẹ, đây là con Mẹ”, và nói với môn đệ Ngài thương mến “Này là Mẹ con” (Ga 19, 17).


Đây là một diễm phúc cho những kẻ tin vào Đức Giêsu vừa bị đóng đinh, chịu chết và rời bỏ mẹ mình và học trò của mình, Ngài mong cho mẹ mình được nơi chăm sóc cẩn trọng, mong cho mẹ mình được sống bằng yên. Nhưng về phía phần người làm con, được hưởng một đặc ân là có một người lãnh đạo tinh thần vững chắc. Món quà mà Đức Giêsu trối lại cho con mình (loài người) thật là quí giá. Chẳng phải là sau khi Đức Giêsu bị đóng đinh, chôn cất trong mồ thì các tong đồ và những kẻ tin Ngài đã tản mác khắp nơi, đây là lúc niềm tin của họ bị lung lay, đây là lúc họ sợ hãi, sợ bị liên quan với Đức Giêsu. Bởi thế, Mẹ là niềm cậy tin tốt nhất của họ. Chỉ có Mẹ mới hiểu được ngọn nguồn của biến cố này. Mẹ là trung tâm, là nơi để các con chiên lạc bị tản mác dần dần tìm về.


Trong vòng 40 ngày từ ngày Chúa Giêsu sống lại, Thánh Kinh không tường thuật Đức Kitô có hiện ra cho Đức Mẹ hay không, nhưng sự thật Đức Mẹ là nơi để các môn đệ tin cậy, nơi các Ngài củng cố niềm tin và niềm hy vọng vào Đức Kitô. Công vụ tông đồ ghi lại, trước khi đợi chờ Thánh Thần hiện xuống, các ông đã tụ tập ở Giêrusalem cùng với Đức Mẹ (Cv1:12-14). Khi Giáo Hội chưa thành hình hay sau khi Giáo Hội đã thành lập, Mẹ luôn là Mẹ của Giáo Hội, luôn đồng hành với Giáo Hội để bảo vệ cho được bình an, để đỡ nâng và để củng cố tinh thần. Được hoà nhập trong Giáo hội, mỗi người chúng ta được diễm phúc làm con của Mẹ, nhờ lời trăn trối của Đức Giêsu rằng: “Đây là Mẹ của con”. Phận làm con chúng ta cũng cần yêu mến và vâng lời Mẹ của mình, chạy đến Mẹ hằng ngày.

 

Linh mục Antôn Phạm Trọng Quang, SVD

Không có nhận xét nào:

Sứ Vụ Truyền Giáo: Lời Cam Kết Của Thành Viên Phong Trào Cursillo

  Sứ Vụ Truyền Giáo: Lời Cam Kết Của Thành Viên Phong Trào Cu rsillo   1.       Dẫn nhập Buổi chiều ngày cuối cùng khóa “khóa ba ngà...