10.4.21

BIẾT ƠN MỘT TÔMA ĐẦY CÁ TÍNH

 


BIẾT ƠN MỘT TÔMA ĐẦY CÁ TÍNH

Ga 20, 19-31

Thánh Tôma được dán cho cái mác là “người kém tin”. Khi Chúa hiện ra, ban bình an và tỏ cho họ biết Ngài đã sống lại, tất cả các tông đồ đều có mặt, còn ông Tôma không hiện diện nơi trong ngôi nhà được đóng kín. Do vậy, khi ông trở về, đồng bạn thuật lại sự kiện Chúa đã hiện ra với họ cho ông nghe, thì ông không tin, thậm chí còn gay gắt tuyên bố: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin” (Ga 20, 25). Do thái độ cứng rắn của thánh Tôma, khi Chúa hiện ra cho các ông một lần nữa, lần này Thánh Tôma có mặt ở đó, Ngài mới khiển trách ông là kẻ kém tin.

Nếu theo tường thuật của Tin Mừng, thì không ai chối cãi, Tôma là kẻ kém tin. Nhưng nếu nhìn vấn đề với thái độ thiện cảm hơn, hay nếu ta tìm hiểu nhiều hơn về thái đọ và cảm xúc của thánh Tôma xuất hiện trong các đoạn Tin Mừng khác, thì ta thấy ngài nói như vậy vì là ngài quá yêu mến Chúa và ước mong được gặp thấy Ngài. Ngài nói lời gay gắt với anh em mình chắc chắn vì ngài cảm thấy tiếc nuối cho cái số xui xẻo không may của mình. Có thể thánh Tôma suy nghĩ rằng, tại sao Chúa không cho mình thấy dung mạo của Ngài cách trực tiếp mà lại phải nhờ lời tường thuật của các anh em? Làm sao các anh em được may mắn hơn mình? Bao nhiêu câu hỏi xảy ra trong đầu của ngài khi nghe anh em nói một tin “động trời” là Thầy mình đã phục sinh. Phải chăng ngài đang “ghen tỵ” với các anh em khác?

Điều này cũng dễ hiểu, chẳng hạn khi chúng ta ngưỡng mộ một nhân vật nổi tiếng nào đó, hay khi chúng ta muốn gặp một ai mà lâu nay ta thường mong muốn, bỗng nhiên có người nói nhân vật này vừa ở đây, mới rời khỏi nơi này trong chốc lát. Nếu lúc chúng ta không có mặt đó thì làm sao chúng ta dám tin. Một ví dụ khác, chẳng hạn nếu có ai đó nói rằng hôm qua Đức Giáo Hoàng Phanxicô vừa thăm Việt Nam, họ được gặp và bắt tay với ngài. Làm sao chúng ta tin được tin này, vì Đức Giáo Hoàng thăm Việt Nam lúc này là chuyện khó có thể. Đối với Tôma, việc Chúa hiện ra cho các ông lại càng khó tin hơn, vì Chúa đã báo trước Ngài sẽ Phục sinh và sống lại nhưng sống lại như thế nào từ trước tới nay các ông chưa hề hay biết, hơn nữa nếu Ngài sống lại thì tại sao Ngài không ở lại với các môn đệ lâu hơn mà chỉ hiện ra trong chớp nhoáng?

Nếu lúc đó thánh Tôma tin thì ngài cũng có quyền nghĩ rằng tại sao Thầy mình lại đối xử với mình không công bằng như thế? Tại sao lại không để cho ngài được thấy như các tông đồ khác? Thánh Tôma có quyền suy nghĩ như thế, vì ngài là người rất trung thành và có lòng yêu mến Thầy mình. Kinh thánh có đoạn viết, khi Đức Giêsu muốn vào miền Giuda để chữa cho ông Lazaro sống lại, các tông đồ biết nếu Chúa vào nơi đó sẽ gặp nhiều nguy hiểm, họ biết người Do thái đang tìm cách hại Chúa, họ biết nếu Chúa đi vào đó khác gì tự nộp mạng cho kẻ thù. Vì thế ai nấy đều ngăn cản không muốn Chúa đi vào, trong khi đó, với lòng trung thành và sự dũng cảm, thánh Tôma quả quyết: “Nào chúng ta cũng vào thành để chịu chết với Thầy” (Ga 11: 16).

thể nói, Tôma là một người rất có cá tính, nên trả lời thẳng thắn với các anh em, “nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin” (Ga 20, 25). Lời này quả thực một lời thề tốt hay như một thách thức đối với Thầy mình. Tuy nhiên, Chúa biết rõ tâm can của Tôma, Chúa biết rõ ngài là người có lòng ao ước được tận mắt thấy Chúa Phục sinh, nên sau đó tám ngày, khi có mặt đầy đủ các tông đồ thì Chúa hiện ra với họ. Quả thật, khi thấy Chúa, khi Chúa đưa tay, chân và cạnh sườn cho Tôma thấy thì ngài đã thốt lên: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con” (Ga 20, 28). Một tình huống “rất Tôma”, nếu trước đây ngài “cứng tin” chừng nào thì bây giờ ngài tỏ ra mạnh mẽ và tôn phục Thầy mình hơn ai hết. Đúng là một người dám sống dám chết, dám nói dám làm, dám hận dám yêu.

Nói cách công bằng, nếu cho rằng, trong lần thứ hai khi Chúa hiện ra với các môn đệ, Ngài trách móc và bảo Tôma “đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin” (Lc 27), thì ta cũng phải công nhận rằng nhờ thánh Tôma mà chúng ta mới dám tin. Chúng ta phải biết ơn về thái độ cương quyết của ngài, vì nhờ câu nói của ngài mà Chúa đã trực tiếp dạy bảo: “Phúc cho ai không thấy mà tin” (Lc 20, 29). Lời dạy bảo này không chỉ còn dành cho thánh Tôma nhưng dành cho mọi người chúng ta, vì bằng con mắt thịt, chúng ta chưa thấy Chúa bao giờ, phải nhờ con mắt đức tin chúng ta tin rằng Chúa đã phục sinh; Ngài đã được Chúa đưa về trời, ngự bên hữu Đức Chúa Cha, và luôn ban ơn lành cho chúng ta.

Quả thật, phúc cho chúng ta, vì chưa bao giờ chúng ta thấy Chúa nhưng chúng ta đã tin Chúa từ rất lâu, tin cả hàng chục năm và hứa trung thành, nhất quyết không từ chối Chúa bao giờ. Phúc cho chúng ta, khi sống trong thời đại khoa học kỷ thuật con người chỉ biết đi tìm thỏa mạn vật chất và bỏ quên đời sống tinh thần, khi nhiều người dùng khoa học để bác bỏ đức tin, nhưng chúng ta vẫn một mực tin tưởng vào Chúa là Chúa của lòng thương xót. Hạnh phúc lắm thay! Có được hạnh phúc lớn lao thế này, chúng ta càng biết ơn một thánh Tôma đầy cá tính và một mực trung thành.

Xin cho mỗi chúng ta, biết sống khiêm nhường, nghiêng mình trước tạo vật vì biết đó là sản phẩm do bàn tay Thiên Chúa tạo dựng nên. Xin cho chúng ta luôn sẵn sàng mở rộng con tim để đón Chúa ngự vào tâm hồn chúng ta, để Ngài đổ đầy niềm vui Phục sinh cho chúng ta. Và xin cho chúng ta, biết mở rộng con mắt đức tin để thấy được Thiên Chúa hiện diện nơi tạo vật, nơi mọi anh chị em và trong mọi sự.

Linh mục Antôn Phạm Trọng Quang, SVD

Không có nhận xét nào:

Sứ Vụ Truyền Giáo: Lời Cam Kết Của Thành Viên Phong Trào Cursillo

  Sứ Vụ Truyền Giáo: Lời Cam Kết Của Thành Viên Phong Trào Cu rsillo   1.       Dẫn nhập Buổi chiều ngày cuối cùng khóa “khóa ba ngà...